Ngày 11/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam.
Ngày 22/11/2017, Quốc hội đã có Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Trước mắt, đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654km, tổng mức đầu tư khoảng 118.700 tỷ đồng, trong đó có ba dự án đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, tám dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Ngày 28/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Ngày 31/10, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt 11/11 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông.
Tiến độ đang được đảm bảo
Theo Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay các bước chuẩn bị đang đảm bảo đúng tiến độ. Bộ đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của toàn bộ 11 dự án. Đối với ba dự án đầu tư công, dự án thuộc các đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và Cam Lộ-La Sơn đã mở thầu, đang tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu và dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong tháng 12/2018. Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 hiện Bộ đang thẩm định hồ sơ thầu.
Với tám hình thức đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các Ban Quản lý dự án khẩn trương trình hồ sơ mới thầu.
Về công tác giải phóng mặt bằng, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 sẽ đầu tư xây dựng theo quy mô bốn làn xe và thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch. Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi các tỉnh có dự án đi qua về dự kiến diện tích sử dụng đất và giao nhiệm vụ cho các ban quản lý dự án làm việc cụ thể với địa phương.
[Vì sao mức phí cao tốc Bắc-Nam lại 'cao vọt' lên 3.400 đồng/km?]
Ủy ban Nhân dân các tỉnh đã có các quyết định, văn bản triển khai công tác giải phóng mặt bằng gửi các sở, ban, ngành của địa phương cho 10/11 dự án (dự án cầu Mỹ Thuận 2 chưa triển khai). Các tỉnh đã thành lập được 7/11 Hội đồng Giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án.
Là đoạn được ưu tiên triển khai đầu tiên, đến nay dự án Cao Bồ-Mai Sơn đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng và triển khai cắm xong cọc giải phóng mặt bằng trên thực địa, đã bàn giao cho địa phương thực hiện công tác kiểm đếm, đo đạc. Các dự án khác đang thực hiện việc lập hồ sơ thiết kế sơ bộ cắm cọc giải phóng mặt bằng.
Về công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt nhiệm vụ cho 4/11 dự án (Cao Bồ-Mai Sơn; Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2). Năm dự án khác hiện Bộ Giao thông Vận tải đang thẩm định nhiệm vụ công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật.
Sớm tổ chức cuộc họp với các địa phương trên toàn tuyến
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tuyến cao tốc Bắc-Nam là công trình đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Bắc-Nam sẽ tạo điều kiện để phát triển kinh tế theo hành lang Bắc-Nam nói riêng và cả nước nói chung, rút ngắn thời gian đi lại và chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác, hiệu quả, tiện lợi, an toàn. Từ đó, tuyến cao tốc sẽ góp phần phát triển du lịch, thương mại của các địa phương có tuyến đường đi qua; kết nối chặt chẽ các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế tăng trưởng cao, các vùng kinh tế trọng điểm với các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển với thời gian di chuyển hợp lý.
Tuyến cao tốc sẽ kết nối các tuyến quốc lộ, các đường địa phương và với các loại hình giao thông khác để hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn và hỗ trợ một số đoạn tuyến Quốc lộ 1 trong trường hợp thiên tai, sự cố, đảm bảo lưu thông Bắc-Nam thông suốt trong mọi điều kiện trong bối cảnh chưa thể đầu tư sớm đường sắt tốc độ cao.
Đánh giá cao những bước triển khai bài bản, đảm bảo tiến độ của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ để triển khai thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư đúng tiến độ, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, cần khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ như thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ đã đề ra.
Bộ Giao thông Vận tải cùng với các bộ, ngành sớm tổ chức cuộc họp với tất cả các địa phương trên toàn tuyến để thống nhất phương án, kế hoạch và các giải pháp triển khai công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng tiến độ, chặt chẽ, minh bạch.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cụ thể các giải pháp đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ Xây Dựng ngay trong quý 1/2019 hoàn thành việc rà soát, xem xét điều chỉnh định mức chi phí quản lý dự án, tư vấn phù hợp với các công trình đầu tư xây dựng nói chung theo đúng quy địn của pháp luật, đảm bảo sát thực tế, tính đúng, tính đủ.
Cũng trong quý 1/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung khoản 3, điều 17, Nghị định 47/2015/NĐ-CP, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với các công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc biệt, phức tạp, Bộ Giao thông Vận tải phải lựa chọn đơn vị tư vấn trong nước, quốc tế có đủ năng lực, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Xây Dựng trong chức năng, nhiệm vụ của mình hướng dẫn xác định vốn lưu động trong tổng vốn đầu tư; xác định về mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; hoàn thuế giá trị gia tăng của phần vốn đầu tư Nhà nước hỗ trợ; dự phòng trượt giá đối với một số chi phí trong giai đoạn khai thác... theo đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện./.