Chỉ số am hiểu tài chính của Việt Nam xếp áp chót khu vực châu Á-TBD

Sự tiến bộ về kỹ năng và kiến thức tài chính đang chững lại tại phần lớn các thị trường châu Á-Thái Bình Dương với điểm số am hiểu tài chính giảm 1 điểm xuống còn 64 điểm, chạm mức thấp kỷ lục.
Chỉ số am hiểu tài chính của Việt Nam xếp áp chót khu vực châu Á-TBD ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Sự tiến bộ về kỹ năng và kiến thức tài chính đang chững lại tại phần lớn các thị trường châu Á-Thái Bình Dương với điểm số am hiểu tài chính tổng thế giảm 1 điểm xuống còn 64 điểm, chạm mức thấp kỷ lục kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu thực hiện vào năm 2010. Việt Nam đạt 58 điểm, giảm 7 điểm, đứng thứ 16 trong số 17 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Con số trên được thực hiện vởi cuộc khảo sát Chỉ số Am hiểu Tài chính gần đây nhất của MasterCard. Cụ thể, các nền kinh tế phát triển có điểm số tương đối ổn định trong khi các thị trường mới nổi có sự sụt giảm điểm số rõ rệt nhất.

Kết quả đáng thất vọng nhất thuộc về một số thị trường, như Việt Nam với 58 điểm, giảm 7 điểm, Myanmar đạt 60 điểm, giảm 6 điểm, Philippines có 62 điểm, giảm 4 điểm, Malaysia đạt 67 điểm, giảm 2 điểm và Ấn Độ là 60 điểm, giảm 2 điểm.

Bà Georgette Tan, Trưởng bộ phận Truyền thông của MasterCard châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, “việc điểm số am hiểu tài chính sụt giảm đến mức thấp kỷ lục tại khu vực là một mối quan ngại lớn cần được quan tâm xem xét."

"Tại các thị trường mới nổi, trong khi nỗ lực rút ngắn khoảng cách về giới tính đã đạt được thành tựu đáng kể, khảo sát về Chỉ số Am hiểu Tài chính năm nay cho thấy các quốc gia này rõ ràng đang đối mặt với nhiều khó khăn nhất. Nhìn chung, cần có sự chú trọng đặc biệt đối với giới trẻ và người thất nghiệp tại tất cả các thị trường nhằm nâng cao chỉ số am hiểu tài chính tổng quát trong khu vực.”

Bên cạnh đó, Bà Georgette Tan cũng lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng về độ phức tạp và sự kết nối lẫn nhau giữa các thị trường tài chính cũng như những yếu tố bấp bênh ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện kiến thức tài chính của người tiêu dùng và đặc biệt quan trọng hơn khi họ cần đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn.

“Kết quả khảo sát năm nay cho thấy những sáng kiến cá nhân đơn lẻ không đủ để giải quyết vấn đề này. Giải pháp cho vấn đề nằm ở một nỗ lực chung bao gồm những cải cách từ Chính phủ, những sáng kiến cộng đồng, các dịch vụ tài chính và giáo dục kết hợp với nỗ lực của từng cá nhân,” bà Georgette Tan nhấn mạnh./.

Trong năm thứ 5 liên tiếp, người tiêu dùng châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thể hiện khối lượng kiến thức nhiều nhất về các vấn đề liên quan đến “Lập kế hoạch tài chính” (74 điểm) so với “Kỹ năng quản lý tiền bạc cơ bản” (61 điểm) và “Đầu tư” (53 điểm).

Người tiêu dùng Đài Loan tiếp tục dẫn đầu khu vực với Kỹ năng hoạch định tài chính hiệu quả nhất (82 điểm), tiếp đến là Thái Lan (81 điểm) và Malaysia (80 điểm), trong khi Việt Nam có mức sụt giảm lớn nhất với 69 điểm, giảm 12 điểm so với năm ngoái và rớt từ hạng 2 xuống hạng 15.

Indonesia có sự tiến bộ nổi trội nhất về mặt “Lập kế hoạch tài chính” với điểm số tăng từ 70 lên 78. Tuy nhiên, quốc gia này cũng có sự sụt giảm rõ rệt nhất về chỉ tiêu “Đầu tư” với điểm số giảm từ 55 xuống 47.

New Zealand (75 điểm) và Australia (72 điểm) tiếp tục dẫn đầu về “Kỹ năng quản lý tiền bạc cơ bản”, Singapore tăng 3 điểm lên 71 điểm và giành lấy vị trí thứ ba năm ngoái của Hong Kong (69 điểm). Sự sụt giảm về điểm số được ghi nhận tại một số thị trường mới nổi như Myanmar (50 điểm, giảm 7 điểm), Philippines (59 điểm, giảm 7 điểm), Việt Nam (55 điểm, giảm 4 điểm) và Malaysia (62 điểm, giảm 4 điểm).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục