Chia sẻ thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liên ngành

Theo ông Đặng Tùng Anh, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, liên thông dữ liệu và chia sẻ thông tin là vấn đề bức thiết hiện nay để phát triển Chính phủ điện tử.
Chia sẻ thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liên ngành ảnh 1Công an quận Tây Hồ, Hà Nội làm thủ tục cấp đổi chứng minh thư nhân dân hết hạn sử dụng cho nhân dân. (Ảnh Thống Nhất/TTXVN)

Hội thảo tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thông qua số định danh cá nhân đã được Văn phòng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Ban chỉ đạo 896), tổ chức sáng 4/12.

Tại hội thảo, các chuyên gia, cơ quan quản lý đã nghe các chuyên gia từ Bộ Thông tin-Truyền thông trao đổi về chuẩn kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Đại biểu cũng trao đổi, phân tích việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho cá nhân, tổ chức, qua đó đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục cho cá nhân, tổ chức khi thông tin của họ đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo ông Đặng Tùng Anh, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, liên thông dữ liệu và chia sẻ thông tin là vấn đề bức thiết hiện nay để phát triển Chính phủ điện tử. Dữ liệu cát cứ, không được chia sẻ sẽ không mang hiệu quả, lãng phí tiền đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu.

Việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu điện tử hiện mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý Nhà nước của từng ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin chung giữa các cơ sở dữ liệu hoặc đã có ý tưởng về việc kết nối, chia sẻ thông tin nhưng triển khai thực hiện còn chậm, khép kín nên không khắc phục được tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về các ngành, lĩnh vực.

Để các hệ thống thông tin có thể trao đổi với nhau, cần xem xét và cùng có một nhận thức chung giữa các bên khi trao đổi về ý nghĩa thông tin, kiểu dữ liệu, cấu trúc dữ liệu, định dạng tin, phương thức truyền tin.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Khánh, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), cần xây dựng lược đồ trao đổi dữ liệu dân cư. Lược đồ này cần phù hợp với quy định của pháp luật về nội dung thông tin; đáp ứng các nhu cầu, ràng buộc cơ bản về thu thập dữ liệu dân cư; tương thích với cơ sở dữ liệu hiện có và chuẩn hóa các giá trị dữ liệu thông dụng.

Đại diện Cục công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) cho rằng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở lõi cần được xây dựng ngay để làm căn cứ chia sẻ thông tin, hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Việc kết nối, chia sẻ đối soát giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác sẽ chỉ được thực hiện khi có được một hệ thống cấp mã định danh thống nhất và duy nhất trên cả nước.

Số định danh cá nhân là số gốc để truy nguyên chính xác thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ yêu cầu quản lý của ngành, lĩnh vực và được sử dụng làm cơ sở để liên kết các thông tin cá nhân trong các cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực. Các ngành, lĩnh vực thực hiện quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành thông qua số định danh cá nhân để kết nối, khai thác thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tính thống nhất của thông tin.

Theo Luật Hộ tịch, từ 01/01/2016, khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mới sinh ra, một số thông tin nhân thân của trẻ em sẽ được đẩy sang hệ thống cấp số định danh cá nhân của Bộ Công an. Sau khi thực hiện kiểm tra đối soát dữ liệu, hệ thống cấp số định danh sẽ dựa trên các thông tin nhận được để mã hóa, sinh số định danh theo cấu trúc quy định và gửi về hệ thống thông tin hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, từ đó cấp giấy khai sinh cho công dân đã bao gồm mã số định danh cá nhân.

Việc cập nhật các biến động về hộ tịch vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng sẽ được thực hiện dựa trên mã định danh cá nhân. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng chỉ cần số định danh duy nhất của đương sự để thay thế cho các trường thông tin về nhân thân như hiện nay, đảm bảo thông tin nhân thân luôn chính xác, thay thế cho việc lưu thông tin nhân thân đương sự một cách rải rác, không đồng bộ và còn nhiều sai sót, trên từng hệ thống riêng rẽ như hiện nay.

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, hiện nay, trong số 5.400 thủ tục hành chính các loại, có tới 1.600 thủ tục yêu cầu khai thông tin cá nhân liên quan tới giấy tờ của công dân. Chỉ tính riêng cấp xã, phường đã có gần 400 loại tờ khai. Nếu thực hiện đơn giản hóa về mặt hành chính, quản lý công dân theo công nghệ số sẽ tiết kiệm được 461 tỷ đồng/năm.

Việc cung cấp số định danh cá nhân sẽ thay cho việc phải khai các thông tin cá nhân. Chi phí tương ứng cho việc sao chụp, chứng thực các loại giấy tờ để thực hiện các thủ tục hành chính này khoảng 4.780 tỷ đồng/năm. Nếu số định danh cá nhân gắn trên các giấy tờ của người dân, chỉ cần thẻ công dân điện tử là cơ quan quản lý có thể soi vào đó để có tất cả thông tin của cá nhân.

Để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Công an tổ chức thu thập, cập nhật và khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo khả năng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức thu thập, cập nhật và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục