Loay hoay lo Tết

Công nhân viên chức nghèo loay hoay lo Tết đến

Càng gần đến Tết, những công nhân viên chức nghèo lại càng cảm thấy lo vì trăm khoản phải chi tiêu trong khi lương, thưởng có hạn.
Càng gần đến Tết, anh Nguyễn Minh Đức, nhân viên một cơ quan giáo dục tại Hà Nội lại càng cảm thấy lo sợ vì trăm mối phải cần đến tiền, trong khi lương thưởng công chức chẳng đáng là bao.

Ngao ngán “ngó” Tết đang về, anh Đức thở dài: “Nhiều lúc tôi chỉ mong đừng có ngày này. Làm cả năm cũng không đủ ăn 3 ngày Tết.”

Mặc dù đã công tác được gần 10 năm, nhưng đồng lương của anh Đức cũng chỉ ngót nghét hơn 2 triệu đồng, cộng thêm khoản thưởng cuối năm hơn 1 triệu, anh vẫn phải loay hoay mãi với những dự định sắp tới của mình.

“Khoản tiền cuối năm cũng chưa đủ để mua quà cho cả hai bên nội ngoại, chưa nói đến chuyện quà cáp quan hệ cuối năm. Tết là khoảng thời gian tôi thấy túng quẫn nhất,” anh Đức thành thật.

Ngày mới ra trường, năm mới, anh còn mua cho nhà bố mẹ được cây đào, cây quất. Nhưng từ lúc lấy vợ, sinh con xong, anh không còn “dư dả” như thế nữa. Cười méo xẹo, anh than thở: “Bây giờ, đủ thứ phải lo, tiền mừng tuổi, tiền thuê nhà đầu năm. Nhiều lúc tôi lại phải vay ngược lại các cụ.”

Cùng hoàn cảnh với anh Đức, chị Trần Vân Anh, hiện đang công tác tại viện nghiên cứu của một trường đại học mấy ngày hôm nay cũng như đang ngồi trên đống lửa. Chị vừa lập gia đình hồi đầu năm, đây cũng là cái Tết đầu tiên chị ở cùng gia đình chồng.

Cầm một xấp phong bao lì xì dày cộp trên tay, chị ngao ngán: “Lương nghiên cứu dẫu chẳng là bao, nhưng về nhà chồng năm đầu cũng phải tươm một chút. Quà bánh cho các cụ thì đã đủ, giờ tôi chỉ lo nhất là khoản lì xì vì nhà chồng đông con cháu quá.”

Chị Vân Anh nhẩm tính sơ sơ, số tiền dành cho khoản này đã hết cả tháng lương của hai vợ chồng gộp lại.

“Gay nhất là sau Tết, chúng tôi lại phải nộp tiền thuê nhà 3 tháng tới. Vừa ăn Tết lại vừa thấp thỏm không yên. Cứ thế này có lẽ chúng tôi phải dừng kế hoạch sinh cháu lại vài năm mới ổn,” chị tâm sự.

Tuy nhiên, với công nhân viên thuộc ngành giáo dục, nghiên cứ như anh Đức, chị Vân Anh còn có thu nhập thêm từ làm ngoài giờ nên vẫn "dễ thở" hơn so với một số người không có gì khác để nhận ngoài lương.

Chị Vũ Thị Hoa, nhân viên trạm y tế phường tại Hà Nội hiện vẫn chỉ nhận mức lương trên 1 triệu đồng/tháng. Nhà có con nhỏ, mẹ già, nên Tết về, trăm mối lo đổ lên đầu chị. Nhắc đến khoản thưởng cuối năm chẳng đáng là bao, chị chua chát: “Bình thường, ba mẹ con bà cháu ăn mặc tằn tiện thì cũng tạm ổn. Nhưng Tết về, chỉ mua sắm không mấy thứ linh tinh là cũng hết tháng lương chứ chưa nói đến việc đi thăm hỏi họ hàng.”

Nhiều lúc, chị cũng định bụng mua vài cân hạt bí, hạt dưa gọi là có hương vị, nhưng nhìn đứa con háo hức chờ Giao thừa, chị lại chẳng đành lòng.

Theo chị Hoa, rất nhiều đồng nghiệp cùng chỗ làm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự...

Không đến nỗi cơ cực như chị Hoa, nhưng giới công chức trẻ mới chân ướt chân ráo ra trường cũng góp thêm vào câu chuyện “ngán Tết” với những tình huống dở khóc, dở cười.

Anh Trần Đức Hòa, hiện đang là giảng viên trẻ của một trường đại học có tiếng tại Hà Nội. Ra trường, anh được khoa giữ lại làm cán bộ nguồn, với mức lương hơn 1 triệu đồng. Nhưng mỗi lần nhắc đến Tết, anh lại lắc đầu quầy quậy: “Năm đầu ra trường, các cháu ở quê mình phải mừng tuổi, chưa kể sắm sửa cho gia đình, có hai lần lương như bây giờ cũng chẳng đủ.”

Chị Bùi Thị Tin, giáo viên hợp đồng trường trung học phổ thông Nho Quan C, Ninh Bình lại có cách nghĩ khác. Mặc dù, với mức lương trên dưới 700.000 đồng/tháng, chị cũng đã rất khó khăn trong việc sắm Tết, lì xì, nhưng chị bảo: “Lần đầu ‘phải’ mừng tuổi, sắm sanh, tôi thấy mình trưởng thành hơn trong gia đình.”

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục