Huyền thoại về nghệ thuật quân sự của Việt Nam

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 chính là huyền thoại về ý chí chiến đấu và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Bốn thập kỷ đã trôi qua, chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12 năm 1972 của quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn của không quân đế quốc Mỹ đã đi vào huyền thoại lịch sử quân sự thế giới. Kỳ tích lẫy lừng ấy cũng đã trở thành biểu tượng của ý chí, của trí tuệ, tầm vóc Việt Nam; viết nên trang sử hào hùng của dân tộc trong thế kỷ XX. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là niềm kiêu hãnh, là bài học quý giá về sức sáng tạo, lòng dũng cảm và chiến thuật quân sự chống tiến công hỏa lực đường không của quân và dân ta.
Tiên lượng sớm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bằng sự mẫn cảm của một nhà chiến lược quân sự thiên tài, với tầm nhìn xa, nắm vững tình hình địch, ta, lường trước thủ đoạn của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những tiên lượng từ rất sớm, khoa học và chính xác về âm mưu sử dụng máy bay chiến lược B52 đánh phá miền Bắc của kẻ thù. Người cùng Trung ương Đảng đã trực tiếp chỉ đạo, định hướng cho quân và dân ta chuẩn bị về tư tưởng, lực lượng, xây dựng thế trận phòng không nhân dân, sẵn sàng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng các loại vũ khí tối tân của địch, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân nhớ lại Bác Hồ đã có những dự kiến rất sớm để hình thành chiến thuật đánh thắng B52. Năm 1965, Người nhấn mạnh dù Mỹ có B57, B52 hay B gì đi nữa, ta cũng đánh mà đánh là nhất định thắng. “Các chú muốn bắt cọp phải vào tận hang,” Người nói. Cuối năm 1967, Bác đã nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh phá Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình hình này càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị... Mỹ nhất định sẽ thua nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.” Tinh thần đó đã được quán triệt đến cán bộ chiến sỹ toàn Quân chủng Phòng không-Không quân, trở thành ý chí sắt đá, sáng tạo trong chiến dịch 12 ngày đêm. Không những trong quân đội mà nhân dân cũng quyết tâm tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu kể thấu hiểu lời dạy của Bác, năm 1966 Quân chủng Phòng không-Không quân đã đưa Trung đoàn 238 bí mật cơ động vào chiến trường Vĩnh Linh nghiên cứu, tìm hiểu quy luật hoạt động, cách đánh phá của B52 để từ đó tìm ra cách đánh thích hợp. Đêm 7/9/1967, Trung đoàn 238 đã tiêu diệt được 2 máy bay B52. Đây là cơ hội để rút kinh nghiệm, biên soạn cẩm nang đánh B52. Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, phương án tác chiến đánh B52 đã có từ năm 1968 và đến tháng 9/1972, phương án hoàn chỉnh được phổ biến cho cán bộ, chiến sỹ, quyết tâm dám đánh và quyết thắng. Cuối tháng 11/1972, phương án cuối cùng đánh B52 đã được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu trực tiếp thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn. “Từ đó, chúng tôi lập kế hoạch đánh B52 và hoàn toàn chủ động. Đêm 18/12, lúc 19 giờ 15 phút, được tin B52 cất cánh từ đảo Guam, toàn thể quân chủng và nhân dân sẵn sàng.” 20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn 59 tên lửa thuộc Trung đoàn 261 đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên, rơi ở cánh đồng Chuôm, Phù Lỗ, Kim Anh (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Tiểu đoàn 77 thuộc trung đoàn 257 bắn rơi B52 tại chỗ. Đêm 18/12, toàn quân chủng và nhân dân đánh thắng B52 trận đầu, lập nên "Điện Biên Phủ trên không."
Huyền thoại về nghệ thuật quân sự của Việt Nam ảnh 1

Rất nhiều máy bay Mỹ đã bị bắn hạ trong giai đoạn 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không." (Ảnh tư liệu)


Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không là thắng lợi về chính trị, quân sự, ngoại giao, khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng như tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sức sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến thắng này cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của nhân dân Thủ đô Hà Nội và đồng bào cả nước, cùng với sự ủng hộ, động viên của bạn bè quốc tế, nhất là Liên Xô đã giúp đỡ ta về tên lửa, radar, không quân, cán bộ kỹ thuật.
“Không sợ bị bắn rơi, chỉ lo B52 chạy mất”
Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên phi công đoàn Không quân Sao Đỏ vẫn nhớ như in về “Pháo đài bay B52” - loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa, cự ly bay hàng chục ngàn km, mang tới 30 tấn bom, xen kẽ bom tấn, bom tạ, bom bi. Một tốp 3 chiếc B52 có thể san bằng diện tích 2km2. Vì vậy, máy bay ném bom hạng nặng này được dùng để ném bom chiến lược các mục tiêu diện rộng sân bay, thành phố, trung tâm chính trị, bến cảng và khi bị đánh thì hầu như các mục tiêu bị phá hủy. Bom tấn phá hầm ngầm, bom tạ phá hầm trú ẩn, bom bi sát thương người khi không còn chỗ trú ẩn. Ngoài ra, B52 còn sử dụng cả tên lửa, đồng thời, B52 lại được bảo vệ bởi các máy bay tiêm kích đánh vào trận địa tên lửa, ném bom các sân bay không cho tiêm kích của ta cất cánh. Máy bay B52 được yểm trợ rất mạnh, lại bay ban đêm, gây nhiễu ra đa, nhiễu mục tiêu... Ngoài ra, bản thân B52 được trang bị tên lửa mồi, nếu MIG 21 của chúng ta bắn tên lửa thì B52 thả tên lửa mồi, chưa kể B52 cũng được trang bị súng phía đuôi có khả năng tiêu diệt máy bay tiêm kích. B52 còn được bảo vệ bằng các máy bay chiến đấu, tiêm kích đánh chặn, đánh ngay vào mục tiêu như sân bay, trận địa tên lửa. Vị tướng không quân nhớ lại một trong những khó khăn lớn nhất đối với Bộ đội Không quân là khi đó, các sân bay chiến đấu của ta bị phá hủy rất nặng nề. Vì vậy, không quân phải tập bay ở những sân bay ngắn, mới làm ở các nông, lâm trường (sân bay vòng ngoài, sân bay dã chiến), tập bay thấp, bay cao, cất cánh trong những điều kiện khó khăn để có thể tiếp cận nhanh được B52. Những thời điểm như vậy đòi hỏi không chỉ ý chí mà cả trí tuệ, sự sáng tạo của Không quân nhân dân Việt Nam. Trong 12 ngày đêm, Mỹ sử dụng 193 B52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật, trung bình mỗi đêm đánh vào Hà Nội 50-70 lượt B52, cao điểm lên đến 100 lượt B52. Ngoài ra, mỗi đêm trung bình 300 lượt, cao điểm 450 máy bay chiến thuật đánh phá để yểm trợ. Như vậy, bầu trời Hà Nội, mỗi đêm có 200 -300 máy bay, có thể thấy mức độ đánh phá dày đặc như thế nào. “Lúc đó, chúng tôi không sợ bị bắn rơi nhưng mỗi nơi bị chậm đi một chút, mình không đuổi được B52. Việc xác định được chính xác vị trí của B52 là rất khó, đòi hỏi sự chủ động của phi công. Để vượt qua, chúng ta cất cánh ở sân bay mà địch không ngờ tới để không bị chặn ở đầu đường băng. “Tôi cất cánh đêm 17/12, anh Thiều đêm 18/12, mang máy bay về sân bay Cẩm Thủy, không cất cánh ở Hà Nội. Đấy là cách để chúng ta tránh địch chặn đánh ở ngay sân bay.” Khi lên trời rồi, phi công phải nhanh chóng đi vào điều kiện thuận lợi, phán đoán được F4 thường chặn ở đâu, tầm cao nào để tránh. Từ tất cả những kinh nghiệm đó, xây dựng thành phương án bay để tránh F4. “Tôi bắn B52 xong rồi mà F4 vẫn ở đằng sau nhưng không làm gì được!.” Trung tướng Phạm Tuân hồi tưởng: “Khi nhìn thấy B52, không chỉ hồi hộp mà còn lo bởi nếu sơ hở một chút, bật ra đa sớm thì F4 sẽ đuổi theo và bắn, B52 chạy mất. Lúc đó tôi chỉ sợ B52 chạy mất, còn F4 xung quanh rất nhiều, tôi báo về sở chỉ huy còn mình chỉ hướng vào chiếc B52 phía trước, cố gắng làm sao để đạt tốc độ nhanh nhất, dù bay với tốc độ 1.600km/h mà vẫn thấy chậm vô cùng. Đến khi phóng được quả tên lửa đi mới thở phào nhẹ nhõm và lúc ấy thì mặc kệ F4 xung quanh, không còn lo lắng gì nữa”. Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh: Trong chiến dịch này, nhiệm vụ chính, quan trọng nhất của lực lượng Phòng không-Không quân là bảo vệ mục tiêu, chặn máy bay ném bom phá hoại. “Địch định san phẳng Hà Nội nhưng trong suốt 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không thì Hà Nội chỉ chịu 2 vệt bom B52. Chính là bởi vì lực lượng Phòng không-Không quân đã đánh B52 khi chúng mới bay vào, còn cách xa Hà Nội. Tất nhiên nếu chúng ta không bắn rơi B52 thì nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu cũng không thể hoàn thành.”
Chuyện cuốn “Cẩm nang đánh B52”
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa 57 - Sư đoàn Phòng không Hà Nội hồi tưởng cuối tháng 10/1972 diễn ra Hội nghị rút kinh nghiệm cách đánh của bộ đội tên lửa do Tư lệnh Quân chủng chủ trì; các thành phần được mở rộng từ kíp trắc thủ, sỹ quan điều khiển tiểu đoàn trưởng đến Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa. Hội nghị bàn cách đánh máy bay B52 thực sự như “Hội nghị Diên Hồng.” Trong hội nghị, các kíp chiến đấu thảo luận, tranh luận bàn cách đánh rất sôi nổi, rất tâm huyết, mang cả những tâm tư, vướng mắc từ lâu để cùng nhau giải quyết. Kết luận hội nghị của Tư lệnh Quân chủng đã làm thỏa mãn những mong chờ của kíp chiến đấu, khích lệ, động viên mỗi pháo thủ hãy nhằm thẳng quân thủ mà bắn, chọn bám sát đúng giải nhiễu B52 mà đánh, nhất định ta sẽ bắn rơi, bắn rơi tại chỗ B52. Cuốn cẩm nang 30 trang bìa đỏ cũng được ra đời từ đây. Sau hội nghị về phong trào học tập rèn luyện cách đánh B52 của bộ đội tên lửa, ở hầu khắp các trận địa đâu đâu cũng hào hứng, sôi nổi tỏ rõ quyết tâm mới, khí thế mới. Công tác bảo đảm kỹ thuật từ cơ quan đến đơn vị cũng có phong trào thi đua bảo đảm tham số tốt nhất, không dừng ở tham số cho phép. Các phân đội kỹ thuật, các dây chuyền lắp ráp đạn nhất là lắp ráp ban đêm, công tác hậu cần bảo đảm đời sống, hay các nhà máy trung đại tu tên lửa đều hưởng ứng thi đua với đơn vị hỏa lực cùng lập công. Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nhấn mạnh: ”12 ngày đêm năm ấy, chúng ta đã chiến đấu với một đối tượng hơn hẳn ta về trang bị vũ khí, khí tài; có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, là đội quân thiện chiến nhà nghề, có tiềm lực kinh tế lớn. Nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm, quyết đánh thắng, chúng ta đã đánh rơi nhiều B52 bắt sống giặc lái ngay từ những đêm đầu của chiến dịch.” Việc bắn rơi tại chỗ B52 đã khích lệ, củng cố quyết tâm của nhân dân và lực lượng chiến đấu. Những trận sau, đêm sau càng đánh càng thắng, thắng liên tục nhất là những trận then chốt, quyết định. “Có đêm đánh rơi 7 đến 8 máy bay B52 làm cho bọn giặc lái hoang mang hoảng sợ, Nhà Trắng rung chuyển, Không lực Hoa Kỳ thất bại thảm hại” – Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt tự hào.
Đối phó với tác chiến điện tử của địch
Theo Đại tá Nghiêm Đình Tích - Nguyên Đài trưởng đài radar P.35, Trung đoàn 291, Binh chủng Radar, chiến thắng vĩ đại trong chiến dịch phòng không đánh thắng chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 thực chất là thắng lợi của ta trong lĩnh vực tác chiến điện tử vô cùng khó khăn, ác liệt và gian khổ trước cuộc chiến tranh điện tử hiện đại và vũ khí công nghệ cao của không quân Mỹ. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, Không quân Mỹ gây nhiễu ghê gớm hơn nhiều so với chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Tất cả máy bay đều có máy nhiễu công suất lớn. Đặc biệt, mỗi B52 có 15 máy gây nhiễu, hai máy phóng nhiễu giấy bạc. Một tốp B52 có 45 máy, tạo thành nhiễu chồng chéo, dày đặc, đan xen, công suất rất lớn, phạm vi rất rộng. Đại tá Nghiêm Đình Tích kể lại khi đó, các phong trào thi đua “vạch nhiễu phát hiện B52,” “luyện quân, lập công,” “phiên ban đoàn viên” với quyết tâm chống nhiễu phát hiện B52, phục vụ vô điều kiện cho các binh chủng hoả lực phòng không đánh thắng trong toàn binh chủng trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp chưa từng có. Đại tá Nghiêm Đình Tích tự hào: “Chúng tôi kết hợp nhiều biện pháp để nhiễu B52 nhẹ nhất và tín hiệu B52 rõ nhất. Nói một cách hình ảnh là nổi lên ba đầu tăm thể hiện tín hiệu của từng tốp B52.” Bộ đội Radar phòng không đã không để Tổ quốc bị bất ngờ, tạo điều kiện cho chỉ huy và các binh chủng bắn rơi 34 B52 và giành thắng lợi to lớn./.
Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục