ILO nỗ lực giải quyết thất nghiệp cho thanh niên

Các nước phát triển cần xây dựng đường lối toàn diện để giải quyết khủng hoảng thất nghiệp tác động tới 75 triệu thanh niên.
Ngày 16/5, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tổ chức “Diễn đàn việc làm cho thanh niên toàn cầu” nhằm giúp các nước phát triển xây dựng đường lối toàn diện để giải quyết tình trạng khủng hoảng thất nghiệp đang tác động tới 75 triệu thanh niên trên trên thế giới.

Giám đốc chấp hành Khu vực việc làm của ILO José Manuel Salazar nhấn mạnh sự phối hợp hài hòa giữa giáo dục và đào tạo với thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và tăng cường các dịch vụ việc làm là những nhân tố then chốt để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm của thanh niên.

Ông nêu bật 3 giải pháp chủ chốt cần thực hiện khẩn cấp và đồng bộ để vượt qua khủng hoảng thất nghiệp, gồm: Thứ nhất, phối hợp giữa việc học ở trường với đào tạo tại nơi làm việc. Mô hình này dựa trên sự phối hợp đồng bộ giữa chính phủ, giới chủ, công đoàn và các cơ sở đào tạo nghề, có thể phù hợp với các bối cảnh kinh tế và văn hóa khác nhau nhằm giúp thanh niên thoát khỏi cái bẫy "không có kinh nghiệm làm việc" khi tìm kiếm việc làm.

Mô hình trên đã thành công ở một số nước như Đức, Áo, Thuỵ Sĩ, và Đan Mạch,…. giúp các nước này có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp thấp nhất châu Âu. Thứ hai, phối hợp giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề và công nghệ nhằm giúp sinh viên sớm hình dung được bước đầu khởi nghiệp, đồng thời tăng sức hấp dẫn của việc đào tạo công nghệ. Thứ ba, tạo điều kiện để người lao động có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ việc làm tốt, đặc biệt các dịch vụ việc làm cần tiếp cận trực tiếp với các chủ doanh nghiệp hoặc cơ sở đào tạo nghề.

ILO khẳng định sự phối hợp giữa các bộ, ngành khác nhau trong chính phủ và tăng cường đối tác công-tư là những điều kiện tiên quyết để ngăn chặn xu thế thất nghiệp cao hiện nay trong lực lượng thanh niên thế giới. Các chiến lược tăng trưởng kinh tế và phát triển phải dựa vào phát triển nguồn vốn con người vì dòng đầu tư và đổi mới chỉ tập trung ở những nơi hội tụ được các tài năng.

Phát triển các kỹ năng nghề nghiệp không chỉ giúp các nước và người lao động vượt qua được những tác động của khủng hoảng mà còn tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với các xu thế dài hạn tác động đến thị trường lao động. Các nước như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia,... là những điển hình thành công trong việc gắn đầu tư vào giáo dục đào tạo với các nhu cầu của nền kinh tế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục