Ký ức Điện biên của người Trung đội trưởng phòng không

60 năm đã qua nhưng ký ức về những ngày tháng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí Trung đội trưởng phòng không Hoàng Đống.
Ký ức Điện biên của người Trung đội trưởng phòng không ảnh 1Các đơn vị xung kích tấn công sân bay Mường Thanh. (Nguồn: TTXVN)

60 năm đã qua đi nhưng ký ức về những ngày tháng tham gia kháng chiến, trực tiếp cùng quân dân ta góp sức làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của người cựu binh Hoàng Đống, thôn Hòa Lạc, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý.

Tháng 2/1950, từ quê hương xã Liêm Khiết (huyện Thanh Liêm), chàng thanh niên tuổi tròn đôi mươi Hoàng Đống hăm hở lên đường nhập ngũ.

Ông được Ủy ban Hành chính kháng chiến xã cử đi học lớp đào tạo sỹ quan lục quân khóa 6 tại Trung Quốc. Ngay trong thời gian này, ông đã cùng các học viên trong khóa học tham gia vận chuyển vũ khí phục vụ cho Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950.

Năm 1951, ông tốt nghiệp khóa học và được điều về làm sỹ quan chỉ huy cấp trung đội thuộc Đại đội phòng không 675, Sư đoàn quân chủ lực 316.

Đơn vị của ông chiến đấu cơ động, có mặt khắp các chiến trường Việt Bắc, Tây Bắc làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, dùng hỏa lực khống chế sự hoành hành của các loại máy bay ném bom của địch, bảo vệ các đơn vị pháo mặt đất, các đơn vị bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến, các căn cứ quân sự và tuyến giao thông quan trọng, đồng thời xua đuổi những tốp máy bay trinh sát của địch, không cho chúng nhòm ngó để thu thập tin tức, chỉ điểm làm lộ bí mật chiến thuật của quân ta.

Năm 1952, đơn vị ông chỉnh quân ở Thanh Hóa, đến cuối năm 1953 thì hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Đống nhớ lại: "Ngày ấy, chúng tôi hành quân lên Tây Bắc theo đường 41. Trời rét cắt da, cắt thịt, đoàn quân đi trong im lặng để tránh sự phát hiện của địch. Nhiều chiến sỹ bị ốm vì khí hậu khắc nghiệt của vùng núi Tây Bắc nhưng không ai dám bỏ hàng ngũ. Nếu đi tụt lại phía sau sẽ bị hổ vồ ngay. Mặc dù phải đảm bảo yêu cầu bí mật, bất ngờ, không được nói thành lời nhưng dường như trong đáy lòng từng chiến sỹ đều cảm nhận được tầm quan trọng của một trận quyết chiến đang đến gần."

Trong tâm trí của người chỉ huy Hoàng Đống, không khí náo nức trong những ngày chuẩn bị cho chiến dịch còn vẹn nguyên. Từ khắp các tuyến đường, hàng vạn bộ đội, dân công hỏa tuyến cùng súng đạn, lương thực, thuốc men ngày đêm bí mật đổ về Tây Bắc.

Ông kể lại muốn di chuyển những khẩu pháo phòng không 12 ly 7, bộ đội ta phải tháo rời từng bộ phận rồi dùng sức, dùng trí sáng tạo mới đưa pháo đến được địa điểm mới.

Đến nơi, dù rất mệt nhưng anh em vẫn phải khẩn trương đào công sự, đắp ụ pháo rồi ngụy trang trận địa để bảo đảm yêu cầu bí mật, bất ngờ của chỉ huy cấp trên.

Có thể nói vai trò của pháo phòng không trong chiến thắng lịch sử này là rất lớn. Ngày ấy, địch tiếp tế lương thực, đạn dược bằng đường không, chủ yếu là máy bay hạng nặng B24 cất cánh từ sân bay Mường Thanh.

Sau trận đánh mở màn vào cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954, sân bay Mường Thanh bị khống chế, máy bay của địch không thể hoạt động, “dạ dày” của địch đã bị cắt đứt.

Thường xuyên có mặt ở tuyến đầu, chỉ huy Hoàng Đống còn nhớ như in những ngày cùng anh em chiến sỹ đào hầm, đào hào.

“Chúng tôi chủ yếu đào vào ban đêm, chỉ với xẻng và cuốc chim, hào nông thì vừa nằm vừa đào, khi đã sâu hơn thì vừa ngồi vừa đào. Nhiều chiến sỹ đã hy sinh để làm nên gần 300km đường hào giao thông, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ,” ông Đống nghẹn ngào khi nhắc đến những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xưa. Đó là 15 cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại khu vực hậu cần, khi đang chuẩn bị bữa ăn cho bộ đội, khi đó cả một khẩu đội pháo bị trúng bom mất cả người lẫn pháo.

Đến ngày mở màn chiến dịch, đơn vị pháo phòng không 12 ly 7 của Trung đội trưởng Hoàng Đống vinh dự góp mặt ở lòng chảo Điện Biên từ hướng đánh phía Đông, cùng các đơn vị bạn từ trên cao vừa chiến đấu, vừa cơ động xuống cánh đồng Mường Thanh theo chiến thuật “đánh lấn,” mỗi ngày khép chặt thêm vòng “kim cô” vào đầu não sở chỉ huy cứ điểm địch.

Cùng với tiếng thét gầm của các loại hỏa lực mạnh, quân của ta, người của ta cứ như từ dưới đất chui lên khiến quân Pháp rụng rời, khiếp vía.

Ông Đống cho biết, giờ phút được chứng kiến chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” tận mắt thấy sự khuất phục của kẻ thù ngay tại sào huyệt của chúng mãi mãi không thể quên trong suốt cuộc đời mình.

Ngay sau chiến thắng 7/5/1954, đơn vị của ông được phân công nhiệm vụ ở lại Điện Biên để bảo vệ chiến lợi phẩm, chờ các đơn vị khác đến tiếp nhận.

Đến cuối tháng 5/1954, đơn vị được lệnh rút về vùng hậu phương Thanh Hóa, tiếp tục xây dựng lực lượng, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Sau đó, ông được cử đi học lớp sỹ quan lục quân khóa 10 rồi về công tác tại Trung đoàn 46 thuộc Quân khu 3.

Năm 1967, ông chuyển ngành về làm giáo viên tại Khoa Quân sự trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội cho tới khi nghỉ hưu năm 1983.

Ngoài Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên được trao tặng từ trong chiến trường, ông còn vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba.

Về với quê nhà Hà Nam, ông vẫn hăng hái tham gia các hoạt động của địa phương. Ông là thành viên đầu tiên tham gia Ban Chấp hành Hội cựu chiến binh xã, cùng các hội viên giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Những việc làm của ông luôn được bà con trong thôn yêu mến, nể phục.

Liên tục các năm từ 2004 đến 2006, đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn hăng hái tham gia Giải bơi lội người trung, cao tuổi toàn quốc và giành được hai huy chương vàng, hai huy chương đồng.

Trong gia đình, ông là tấm gương sáng để các con cháu học tập, noi theo. Chỉ vào những bức ảnh chụp đại gia đình trong lễ mừng thọ người bạn đời hồi đầu năm, ông tâm sự: "Bên cạnh những kỷ niệm hào hùng về Chiến thắng Điện Biên Phủ, giờ đây tài sản lớn nhất của cuộc đời tôi là gia đình. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình đã nhiều tuổi, phải nghỉ ngơi. Mình phấn đấu là việc làm cả đời, trước tiên là để rèn luyện sức khỏe, sau là để làm gương cho các con, cháu, chắt."

60 năm đã trôi qua, những thế hệ cựu binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của quê hương Hà Nam trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay còn lại rất ít. Không ít người trở thành tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp trong quân đội, cũng có người trở về quê hương gắn bó với ruộng đồng, mùa vụ nhưng những ký ức hào hùng về Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí họ như niềm tự hào, hạnh phúc không bao giờ tắt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục