Phát huy truyền thống chiến sỹ Điện Biên trên xứ Lạng

Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng các chiến sỹ Điện Biên vẫn phát huy truyền thống vẻ van, tham gia xây dựng quê hương xứ Lạng ngày càng giàu đẹp.
Phát huy truyền thống chiến sỹ Điện Biên trên xứ Lạng ảnh 1Tái hiện hình ảnh kéo pháo vào trận địa trong chương trình “Điện Biên Phủ - Bản giao hưởng hòa bình”. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trong không khí phấn khởi hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp thăm hỏi và trò chuyện với các chiến sỹ Điện Biên năm xưa trên quê hương xứ Lạng.

Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng các chiến sỹ Điện Biên vẫn phát huy truyền thống vẻ vang của anh Bộ đội Cụ Hồ tham gia xây dựng quê hương xứ Lạng ngày càng giàu đẹp.

Những ký ức hào hùng

Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng tại thành phố Lạng Sơn, cựu thanh niên xung phong Hà Văn Nhuận năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng khi trò chuyện về những ký ức hào hùng năm xưa, ông không giấu được niềm tự hào, xúc động.

Ông kể: "Năm 1953, tôi xung phong lên đường nhập ngũ khi ấy mới 17 tuổi; được gia nhập Đại đội 404, làm nhiệm vụ phá bom, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường huyết mạch chi viện cho Điện Biên Phủ. Khoảng 3 giờ chiều một ngày đầu tháng 3/1954, ở Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La, khi Tiểu đội 3 do tôi chỉ huy nhận nhiệm vụ trực chiến thì hàng loạt máy bay ồ ạt thả bom. Trong đó có một quả bom nổ chậm nằm ngay gần đường cần phải phá trước.

Ngay lập tức, tôi chạy đến cạnh quả bom, khoét một hố nhỏ đặt bộc phá, đốt dây cháy chậm và chạy nhanh tới một hố đất gần đấy để tránh; quả bom nổ, tuyến đường nhanh chóng được thông suốt. Đây lại là quả bom nổ chậm đầu tiên mà Đại đội 404 tự phá; từ đó đã tạo động lực, tiếp thêm sức mạnh để anh em trong đại đội tiến lên, lập nhiều thành tích góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ."

Năm nay đã 86 tuổi, nhưng với tác phong nhanh nhẹn, giọng kể hào sảng, ông Vi Văn Đàm, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: "Năm 1947, khi vừa tròn 20 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu II). Sư đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm đồi A1, đây là cứ điểm khó đánh và là quan trọng nhất của quân địch, là bàn đạp tốt nhất để đánh vào sở chỉ huy của địch tại lòng chảo Mường Thanh. "

Ông Đàm cho biết: "Trong suốt chiến dịch, bộ đội ta gặp rất nhiều khó khăn từ việc luôn bị kẻ định đánh phá đến việc thiếu thốn đủ thứ từ ăn uống, trang thiết bị đến bệnh tật, thương vong… Nhưng trên cương vị là Chính trị viên phó Đại đội, tôi luôn đồng cam, cộng khổ, tích cực động viên các chiến sỹ quyết tâm đánh giặc, quyết chiến đến ngày toàn thắng. Ngày 6/5 khối bộc phá được phát nổ trên đồi A1, Trung đoàn của tôi đã hoàn thành việc tiêu diệt cứ điểm đồi A1, giảm được nhiều thương vong, giúp quân ta tiến lên giành chiến thắng."


Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh Lạng Sơn có gần 300 cựu chiến binh và thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương Xứ Lạng đã và đang trực tiếp tham gia phong trào phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa; động viên, khuyến khích con cháu, chung tay tham gia các phong trào ở cơ sở và luôn là những tấm gương sáng, là niềm tự hào của quê hương.

Cựu chiến binh Ngô Gia Thành xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn là một trong những tấm gương tiêu biểu.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn hăng hái tham gia công tác hội, cùng các hội viên chăm lo xây dựng tập thể chi hội đoàn kết; tích cực tham gia đóng góp ý kiến để các tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả. Trong gia đình, ông là người ông, người cha mẫu mực, tích cực tham gia xây dựng kinh tế gia đình, là tấm gương sáng để con cháu noi theo.

Thông qua hoạt động của hội, các cựu chiến binh luôn phối hợp với các đơn vị tổ chức nói chuyện truyền thống; đóng góp ngày công, vật chất để xây dựng công trình công cộng... Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ đầu năm tới nay, Hội Cựu chiến binh đã tổ chức 75 buổi nói chuyện truyền thống, giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, giao lưu văn hóa văn nghệ... với trên 10.000 lượt đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia.

Hội góp 85.000 ngày công lao động nhân dịp ra quân đầu xuân; phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện 215 buổi tuần tra, kiểm soát địa bàn, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Các cựu chiến binh luôn quan tâm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, động viên con cháu lao động sản xuất..., góp phần xây dựng được 520 mô hình kinh tế tiêu biểu.

Để tri ân những đóng góp, hy sinh to lớn của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa và các cựu chiến binh trên quê hương Xứ Lạng, tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách như: Bảo hiểm y tế ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, vốn vay…

Đặc biệt, Lạng Sơn là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước cơ bản giải quyết xong chế độ, chính sách cho cựu thanh niên xung phong, đến nay không còn hồ sơ tồn đọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục