Lithuania: Những thảm hoa lanh đang dần biến mất

Những bông hoa của cây hạt lanh trồng tràn ngập ở Lithuania giờ đã phải nhập khẩu do việc gieo trồng tại nhà đã trở nên quá đắt đỏ.
Những bông hoa mang màu xanh tinh tế của cây hạt lanh – những bông hoa đã đi vào những ca khúc dân gian và thơ ca, từng được trồng tràn ngập trên đất nước Lithuania, giờ đã phải nhập khẩu do việc gieo trồng tại nhà đã trở nên quá đắt đỏ.

Du khách đi dạo trên những đường phố của thủ đô Vilnius của Lithuania sẽ lập tức nhận ra từ ngữ “linas” (tiếng Lithuania để chỉ hạt lanh hoặc cây lanh) được viết với kích thước lớn trên cửa sổ của những cửa hàng.

Loại cây trồng truyền thống này cũng tạo cảm hứng cho những cái tên rất phổ biến – Linas cho tên đàn ông và Lina cho tên phụ nữ.Dù đã đi vào văn hóa dân gian của Lithuania, nhưng những thảm hoa hạt lanh màu xanh nhạt đã không còn trải dài trên các cánh đồng từ mùa xuân sang đầu mùa hạ nữa.

Giờ đây, sợi được sản xuất từ những nhà máy để may những bộ trang phục vải lanh phổ biến tại Lithuania đã phải nhập khẩu, chủ yếu là từ Pháp, Italy và Belarus.

Nông dân địa phương đã không trồng dù chỉ 1ha duy nhất cho cây lanh trong năm 2010 để sử dụng cho dệt may – một lĩnh vực kinh doanh mạnh tại đất nước Baltic với 3,5 triệu dân này.

Nhìn lại với những hoài niệm về khoảng thời gian 20 năm trước, khi hoa lanh nở rộ trên diện tích 21.500ha, những người nông dân địa phương và các nhà sản xuất đã cho rằng Liên minh châu Âu là thủ phạm đằng sau sự suy giảm đó.

“Trợ cấp đã giảm xuống còn 675 litas (đương đương với 257 USD) trên mỗi hecta,”  Beruta Vasiliauskiene - người chủ trang trại Jubarko Linu Verlas - một trong những trang trại cuối cùng còn trồng hạt lanh trong những năm gần đây, cho biết.

Trước khi quốc gia Baltic này tham gia EU năm 2004, viện trợ công cộng cao hơn ba lần so với bây giờ. “Không còn ai trồng lanh nữa, không còn lợi nhuận nữa,” Vasiliauskiene cho biết.

Ngoại lệ duy nhất là trung tâm nghiên cứu Upyte ở trung tâm Lithuania, nơi nhân viên trồng hạt lanh mỗi năm chỉ đơn giản là để giữ cho nó được tồn tại. “Cây lanh Lithuania có thể biến mất hoàn toàn nếu chúng tôi ngừng hoạt động này,” Zofija Jaukauskiene - người đang làm việc tại trung tâm, cho biết. “Mỗi năm, chúng tôi trồng 300-500 hạt giống khác nhau để bảo vệ loài cây này.”

Tuy nhiên, sản xuất trang phục từ lanh tại Lithuania vẫn bùng nổ. Linas, nhà máy sản xuất sợi lanh lâu đời nhất của đất nước đã kỷ niệm 55 năm thành lập trong năm nay. Năm ngoái, nhà máy có trụ sở tại Panevezus ở Bắc Lithuania, đã sản xuất 2,5 triệu mét vải, nhưng vật liệu lại được nhập khẩu từ nước láng giếng Belarus từ ba năm nay.

“Trồng và chế biến lanh đã từng là một hoạt động truyền thống,” Vidas Vaitkus - người đứng đầu một công ty sản xuất vải lanh và những sản phẩm khác từ lanh từ năm 2002, cho biết. Theo chân các công ty đối thủ tại địa phương, công ty của ông đã bán những trang phục lanh sang Pháp, Italy và Nhật Bản.

"Tại mọi hội chợ chúng tôi tham gia, chúng tôi phải trả lời yêu cầu của mọi người liệu sản phẩm được dệt hoặc gieo trồng tại Lithuania hay không," Vaitkus nói. “ 'Made in Lithuania’ vẫn còn là một thương hiệu của chất lượng.”

“Lanh đã trở nên quá đắt đối với người Lithuania,” Jurgita Senulyte nói. Giá nguyên liệu đang tăng nhưng chi phí nhân công tương đối thấp vẫn giúp lanh của Lithuania cạnh tranh trên thị trường nước ngoài, bà cho biết thêm./.
   
S.N (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục