Ngân hàng Nhật Bản BOJ duy trì đánh giá khả quan về kinh tế

Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) ngày 4/9 tiếp tục duy trì chính sách ổn định và khẳng định nền kinh tế đang phục hồi bất chấp một số yếu kém phát sinh.
Ngân hàng Nhật Bản BOJ duy trì đánh giá khả quan về kinh tế ảnh 1Công nhân làm việc trong nhà máy của Công ty Toyota Đông Nhật Bản ở Taiwa, Miyagi Prefecture. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Theo phóng viên Vietnam+ tại Tokyo, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) ngày 4/9 tiếp tục duy trì chính sách ổn định và khẳng định nền kinh tế đang phục hồi bất chấp một số yếu kém phát sinh sau khi tăng thuế tiêu dùng hồi tháng Tư.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết Chính phủ cần tăng thuế hơn nữa vào năm sau theo kế hoạch để phục hồi tình hình tài chính ngày một xấu đi của nước này đồng thời cảnh báo những nguy cơ “đáng kể” nếu Tokyo không tăng thuế lần thứ hai.

Sai cuộc họp kéo dài hai ngày, Ủy ban chính sách của ngân hàng trung ương quyết định tiếp tục mua sắm tài sản quy mô lớn từ các định chế tài chính nhằm đổ thêm nhiều tiền hơn nữa vào nền kinh tế và tăng tỷ lệ lạm phát lên 2%.

Quyết định trên đã được cơ quan gồm 9 thành viên này thống nhất trong cuộc họp. BOJ duy trì đánh giá trước đó rằng kinh tế Nhật Bản “tiếp tục phục hồi ổn định theo một hướng.”

Tại cuộc họp báo, ông Kuroda khẳng định giá cả đang chuyển dịch “gần như theo đúng như dự báo,” cho thấy BOJ hiện thấy không cần thiết điều chỉnh chính sách tiền tệ. Ông khẳng định “ ơ chế tích cực của nền kinh tế đang tạo ra những ảnh hưởng.”

Ông cho biết thêm: “Tất cả những gì mà chúng ta cần hiện nay là thực hiện dần việc nới lỏng định lượng và định tính cũng như tạo ra một môi trường mà ở đó mục tiêu ổn định giá của chúng ta đạt được và duy trì theo hướng ổn định.”

BOJ cho biết việc tiêu dùng tư nhân biến động linh hoạt ngay sau thời điểm tăng thuế ngày 1/4 nhưng hạ thấp quan điểm về đầu tư cho lĩnh vực nhà ở, đồng thời cho rằng hiện tượng sụt giảm tiêu dùng là một phản ứng trước sự gia tăng đột ngột trước khi quyết định tăng thuế.

BOJ tiếp tục duy trì đánh giá trước đó cho rằng những tác động tiêu cực như vậy “bắt đầu suy yếu dần” nhưng thừa nhận rằng sự phục hồi trong tiêu dùng cá nhân sẽ chậm hơn dự kiến. “Xuất khẩu bộc lộ một số yếu kém” trong khi sản lượng công nghiệp “gần đây cũng có một số hạn chế.”

Dữ liệu không mấy tích cực, đáng kể nhất là chỉ số về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2/ năm 2014, có vẻ như đã đặt kế hoạch phục hồi kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe vào vòng nguy hiểm trước khi ông phải quyết định trong năm nay là liệu có tiếp tục tăng thuế tiêu dùng vào năm tới theo như kế hoạch hay không.

Một số phụ tá đã bày tỏ lo ngại rằng việc tăng thuế lần hai vào tháng 10/2015 sẽ ngăn chặn đà phục hồi vẫn còn mong manh của nền kinh tế Nhật Bản.

Ông Etsuro Honda, một trong những cố vấn của Thủ tướng Abe về vấn đề kinh tế, thúc giục chính phủ cân nhắc trì hoãn việc tăng thuế thêm một vài tháng nữa hoặc hơn 1 năm để ổn định nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Kuroda lại tỏ ý phản đối đề xuất này. Thống đốc BOJ cho biết Nhật Bản đang đối mặt với “những nguy cơ” là nếu không tăng thuế theo kế hoạch “ý định và nỗ lực của Chính phủ hướng tới việc tái thiết tài chính sẽ bị giới đầu tư hoài nghi.” Ông Kuroda từng là Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế.

Tăng thuế tiêu dùng là trung tâm của những nỗ lực cải thiện sức khỏe nền tài chính Nhật Bản - được cho là tồi tệ nhất trong số các nước phát triển hàng đầu - nhằm đương đầu với chi tiêu phúc lợi ngày càng gia tăng do dân số già hóa.

Nơi chính phủ bùng nổ đã tiếp thêm lo ngại cho giới đầu tư về sự ổn định tài chính của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản và BOJ sẽ gặp phải rắc rối khi giải quyết những rủi ro danh tiếng như vậy.

Tuy nhiên, ông Kuroda khẳng định những nguy cơ khác - có thể phát sinh do tăng thuế lần hai như kinh tế chững lại - có thể được giải quyết thông qua kích thích tiền tệ và tài chính. So sánh hai rủi ro này, ông Kuroda cho rằng những rủi ro gắn với việc từ bỏ tăng thuế là “đáng kể.”

Khi cải tổ nội các hôm 3/9 lần đầu tiên kể từ khi nhận nhiệm sở hồi cuối năm 2012, ông Abe nhấn mạnh ưu tiên chính sách của ông là tiếp tục giải quyết tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập kỷ quả với việc giữ lại các chức vụ bộ trưởng chủ chốt.

BOJ có thể sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ dưới sức ép của chính phủ và củng cố tăng trưởng nếu Thủ tướng Abe quyết định tăng thuế lần thứ hai từ mức 8% lên 10% sau đợt tăng thêm 3 điểm hồi tháng Tư vừa qua.

Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản không bao gồm giá thực phẩm tươi sống - thước đo lạm phát của BOJ - tăng 1,3% vào tháng Bảy so với năm trước sau khi loại trừ tác động của đợt tăng thuế vừa rồi. Kết quả này khớp với tính toán của BOJ rằng mục tiêu lạm phát 2% sẽ đạt được vào thời điểm nào đó năm 2015.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế thuộc khu vực tư nhân lại khẳng định tỷ lệ phạm phát có thể sụt giảm từ tháng Tám xuống dưới 1%, và một số cho rằng BOJ cần tiếp tục nới lỏng tiền tệ để đạt được mục tiêu lạm phát này.

Ông Kuroda thừa nhận tốc độ lạm phát có thể chậm lại nhưng cho biết tỷ lệ này sẽ ở mức trên 1% trước khi chuyển hướng đi lên từ mùa Thu năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục