Chính sách Abenomics tạo cảm hứng cải cách kinh tế tại Ấn Độ

Những thành quả ấn tượng mà chính sách Abenomics mang lại cho kinh tế Nhật Bản đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những cải cách kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Modi.
Chính sách Abenomics tạo cảm hứng cải cách kinh tế tại Ấn Độ ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chuyến thăm Nhật Bản năm ngày bắt đầu từ 30/8 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước, mà còn đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.

Một trong những chương trình nghị sự của chuyến đi được dư luận dành mối quan tâm đặc biệt là các thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa hai cường quốc châu Á.

Những thành quả ấn tượng mà chính sách Abenomics mang lại cho kinh tế Nhật Bản đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những cải cách kinh tế đầy tham vọng của Thủ tướng Modi nhằm thay đổi hoàn toàn diện mạo kinh tế Ấn Độ trong tương lai gần.

Sự tương đồng trong cách tiếp cận, tính cách quyết đoán và tinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Modi khiến giới phân tích cho rằng sự kết hợp giữa Abenomics và Modinomics sẽ giúp hồi sinh cả hai nền kinh tế.

Tối 30/8, tại thành phố Kyoto, hai vị Thủ tướng Modi và Abe đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác phát triển thành phố Varanasi bên bờ sông Hằng thành một “thành phố thông minh.”

Thỏa thuận “thành phố thông minh” Varanasi sẽ là sự khởi đầu ấn tượng cho mục tiêu phát triển 100 thành phố thông minh trên toàn Ấn Độ mà vị tân thủ tướng đề ra sau khi nhậm chức.

Theo chiến lược tăng trưởng của Abenomics, Chính phủ Nhật Bản cũng hướng tới tăng cường đầu tư cho hạ tầng ở nước ngoài.

Phương châm mà Tokyo đề ra là dự kiến đến năm 2020, sẽ đầu tư khoảng 30.000 tỷ yen (287,6 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.

Rõ ràng, đối với Chính quyền của Thủ tướng Abe, MOU vừa ký kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở đường cho vốn đầu tư, công nghệ và hạ tầng Nhật Bản tạo thế đứng vững chắc tại một thị trường rộng lớn như Ấn Độ.

Chuyến thăm của ông Modi còn mang theo kỳ vọng về hợp tác hạt nhân và đất hiếm giữa hai nước. Hãng tin PTI cho biết Ấn Độ đặt nhiều kỳ vọng vào thỏa thuận năng lượng hạt nhân với Nhật Bản và thu hút vốn đầu tư cho ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân dân sự trị giá khoảng 85 tỷ USD của nước này.

Không những thế, Ấn Độ có thể mở ra cơ hội hợp tác đất hiếm với Tokyo. Việc Nhật Bản tìm kiếm nguồn nhập khẩu đất hiếm từ Ấn Độ cho thấy quyết tâm của Tokyo trong việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo kế hoạch, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Modi Công ty đất hiếm Ấn Độ và Công ty thương mại Nhật Bản Toyota Tsusho sẽ ký kết thỏa thuận để Nhật Bản nhập khẩu từ 2.000-2.300 tấn đất hiếm/năm và đơn hàng đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng 2/2015.

Đối với Ấn Độ, Nhật Bản có thế mạnh về nguồn vốn đầu tư với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực như ôtô, điện tử, xây dựng, điện lực, phần mềm.

Trong khi Ấn Độ lại hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản nhờ thị trường nhân lực và tiêu thụ hàng hoá dồi dào với số dân hơn 1,2 tỷ người.

Việc Chính phủ của ông Modi tiếp tục theo đuổi nền kinh tế thị trường là cơ sở quan trọng để Nhật Bản ngày càng tham gia chặt chẽ và sâu sắc hơn với Ấn Độ về kinh tế.

Ông Modi đã từng đến thăm Nhật Bản vào các năm 2007 và 2012 để tạo ra các kênh đầu tư mới cho Nhật Bản vào bang Gujarat (nơi ông Modi lãnh đạo trước đây), qua đó thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt với Nhật Bản.

Đối với các chính sách tương lai, ông Modi sẽ hướng tới xây dựng một bộ máy hành chính minh bạch và một môi trường đầu tư thân thiện như đã thực hiện ở bang Gujarat để thu hút đầu tư nước ngoài, mà quan trọng nhất là của Nhật Bản vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Riêng tại bang Gujarat, đầu tư tư nhân của Nhật Bản sẽ đạt con số 2 tỷ USD vào giai đoạn 2015-2016. Hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư ở Ấn Độ với khoảng 15 tỷ USD (năm 2013) và Nhật Bản đang tham gia xây dựng dự án Hành lang Công nghiệp Delhi-Mumbai trị giá 90 triệu USD. Ấn Độ đang tìm kiếm nhiều tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ Nhật Bản.

Như vậy có thể nói mối liên kết chặt chẽ hơn giữa hai nền kinh tế sẽ là cú hích mạnh mẽ cho phục hồi của kinh tế Nhật Bản và tạo đột phá cho nghị trình cải cách toàn diện kinh tế Ấn Độ của Thủ tướng Modi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục