Người di cư gây ngưng trệ giao thông đường hầm nối Pháp-Anh

Giao thông trên tuyến đường hầm xuyên eo biển Manche nối giữa Pháp và Anh ngày 21/8 lại bị ngưng trệ sau khi người di cư trèo lên khoang một tàu chở hàng để tìm cách sang Anh.
Người di cư gây ngưng trệ giao thông đường hầm nối Pháp-Anh ảnh 1Cảnh sát chống bạo động Pháp gác dọc theo tuyến đường bộ dẫn tới cảng tàu ở Calais nhằm ngăn người di cư trái phép xâm nhập. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một người phát ngôn của hãng Eurotunnel, nhà điều hành và quản lý đường hầm Channel, cho biết giao thông trên tuyến đường hầm xuyên eo biển Manche nối giữa Pháp và Anh này ngày 21/8 đã một lần nữa bị ngưng trệ sau khi người di cư trèo lên khoang một tàu chở hàng để tìm cách sang Anh.

Theo lời người phát ngôn, khoảng 11 giờ 30 phút (tức 16 giờ 30 theo giờ Việt Nam), chuông báo động vang lên báo hiệu sự xuất hiện của những người di cư trên một tàu chở hàng - những người đã vào được đường hầm sau khi vượt qua một chốt an ninh lỏng lẻo.

Cảnh sát và các nhân viên an ninh đã ngay lập tức tiến hành một cuộc kiểm tra và yêu cầu họ rời khỏi tàu.

Tuy nhiên, giao thông trên tuyến đường hầm nối giữa Anh và Pháp đã bị ngưng trệ do việc lưu thông phương tiện từ hướng Anh phải ngừng trong một giờ rưỡi đồng hồ, và từ phía Pháp ngừng 1 giờ.

Vụ việc trên xảy ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve và người đồng cấp Anh Theresa May ký thỏa thuận đẩy mạnh các hoạt động hợp tác truy quét những kẻ buôn người, tăng cường lực lượng an ninh cả hai bên đường hầm, cũng như lắp đặt camera giám sát nhằm bảo vệ lối vào đường hầm từ phía cảng Calais (Pháp).

Hiện, khoảng 3.000 người đến từ châu Phi, Trung Đông và châu Á tập trung trong các lán trại "ổ chuột" tại khu vực cảng Calais, và ít nhất 9 người đã chết khi cố tìm cách vượt đường hầm Channel để sang lãnh thổ của Anh với mong muốn tìm được một cuộc sống tươi đẹp hơn.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Bộ Quốc phòng Bulgaria thông báo sẽ đề xuất lên Bộ Nội vụ nước này các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo an ninh biên giới quốc gia, trong đó có việc điều các lực lượng vũ trang tới khu vực biên giới Tây Nam, giáp Hy Lạp và Macedonia, để đối phó với dòng người di cư trong tương lai.

Giới chức Bulgaria đưa ra tuyên bố trên do lo ngại dòng người di cư có thể chuyển hướng tới nước này, nơi có biên giới chung cả với Hy Lạp và Macedonia - quốc gia vừa ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới với Hy Lạp do dòng người di cư vượt biên ồ ạt.

Cùng ngày, một nhân chứng cho hay ít nhất 1.000 người di cư và tị nạn đã cố tìm cách vượt qua hàng rào cảnh sát của Macedonia trên biên giới với Hy Lạp, khiến ít nhất 10 người bị ngất.

Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại về việc cảnh sát chống bạo động của Macedonia sử dụng vũ lực để giải tán những người di cư từ Hy Lạp, song cũng hối thúc chính quyền Skopje nhanh chóng thiết lập trật tự tại khu vực biên giới.

Cũng trong ngày 21/8, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) công bố số liệu thống kê cho thấy chỉ riêng từ ngày 14-19/8 đã có tới 9.464 người di cư đặt chân tới đảo Lesvos của Hy Lạp. Trong khi hồi tháng Bảy vừa qua, lượng người di cư và nhập cư trái phép và nước này đã lên tới 55.496 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục