Ngày 20/8, Anh và Pháp công bố các biện pháp mới nhằm ngăn chặn nạn nhập cư trái phép thông qua đường hầm xuyên eo biển Manche, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hợp tác an ninh truy quét những kẻ buôn người.
Các biện pháp mới được áp dụng bao gồm tăng cường lực lượng an ninh cả hai bên đường hầm, lắp đặt hệ thống camera giám sát và nhiều thiết bị an ninh khác nhằm bảo vệ lối vào đường hầm từ phía cảng Cailais.
Cơ quan quản lý đường hầm Eurotunnel sẽ được hỗ trợ tài chính để tăng thêm lực lượng an ninh tại chỗ. Cùng với đó, Trung tâm chỉ huy tác chiến với sự tham gia của cảnh sát từ 2 quốc gia cũng được thành lập với nhiệm vụ chính là bắt giữ và chặn đứng các âm mưu đưa người nhập cư trái phép vào miền Bắc nước Pháp và qua đường hầm Channel. Trung tâm chỉ huy mới sẽ có nhiệm vụ báo cáo liên tục tình hình với Bộ trưởng Nội vụ của hai quốc gia.
Cảng Cailais hiện đang là điểm nóng trong cuộc khủng hoảng nhập cư do hàng chục nghìn người từ những vùng có chiến sự và nghèo đói như Syria, Libya và một số nước Trung Á và châu Phi đổ về đây để tìm đường vào Anh một cách trái phép. Hàng nghìn người đang trực chờ trong các ngôi lều tạm ở cảng Calais, nhiều người trong số đó tìm mọi cách để vượt đường hầm như trốn trong các xe tải, các chuyến tàu hay thậm chí là đi bộ dọc đường hầm dài 50km này.
Trong tuần này số người cố gắng đột nhập vào đường hầm Channel đã giảm đáng kể xuống khoảng 250 người mối đêm, thấp hơn nhiều so với số khoảng 2.000 người mỗi đêm thời điểm cuối tháng 7.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/8 chính quyền Macedonia cảnh báo tình trạng quá tải tàu chuyên chở người nhập cư từ Syria tới châu Âu và yêu cầu các quốc gia láng giềng giúp đỡ. Phát biểu trên truyền hình, người đứng đầu ngành đường sắt Macedonia Nikola Kostov cho biết tình hình đang rất đáng báo đông, hệ thống đường sắt đã vận hành hết công suất để vận chuyển người nhập cư tới các quốc gia Tây Âu.
Ông Kostov cũng cho biết Macedonia đã yêu cầu các quốc gia láng giềng trợ giúp bằng cách bổ sung các toa tàu cho nước này nhưng chưa nhận được câu trả lời. Dự báo tình hình trong những ngày tới còn nghiêm trọng hơn.
Cùng ngày, Hy Lạp - quốc gia đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ, thông báo chính phủ nước này đã phải thuê một chiếc phà chờ khoảng 2.600 người tị nạn Syria từ đảo các Kos, Kalymnos, Leros và Lesbos vào đất liền.
Ban đầu, chiếc phà này dự kiến sẽ đến thành phố cảng Thessaloniki ở miền Bắc Hy Lạp, nhưng sau đó đã phải chuyển hướng tới cảng Piraeus ở thủ đô Athens với lý do Thessaloniki không thể tiếp nhận cùng lúc số người tị nạn đông như vậy.
Các hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hy Lạp trên Biển Aegean thời gian qua phải đón hàng nghìn người di cư trái phép trên các con thuyền, gây ra tình trạng mất trật tự, hỗn loạn và ảnh hưởng đến các khách du lịch tại đây. Chính phủ Hy Lạp dự kiến sẽ thuê thêm một chuyến phà nữa để đưa người tị nạn vào đất liền./.