Những điều chưa biết về cơ phó cho máy bay Airbus lao vào núi

Danh tính của viên cơ phó chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn thảm khốc của chiếc máy bay thuộc hãng Germanwings vừa được công bố vào hôm qua 26/3.
Những điều chưa biết về cơ phó cho máy bay Airbus lao vào núi ảnh 1Andreas Lubitz chụp ảnh tại cầu Cổng Vàng ở San Francisco, Mỹ. (Nguồn: Mirror)

Danh tính của viên cơ phó chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn thảm khốc của chiếc máy bay thuộc hãng Germanwings vừa được công bố vào hôm qua 26/3.

Cơ phó Andreas Guenter Lubitz, 28 tuổi tới từ thị trấn Montabaur thuộc quận Westerwaldkreis ở Rhineland-Palatinate, Đức. Những người thân quen gặp anh lần cuối vào mùa thu năm ngoái đều cho biết anh không có dấu hiệu trầm cảm.

Trang Facebook cá nhân của viên cơ phó liệt kê những sở thích rất bình thường: anh hâm mộ ban nhạc Schiller của Đức và DJ nổi tiếng người Pháp David Guetta, thích ăn Burger King, chơi bowling và nghe chuyện cười. Facebook của Lubitz cũng có một đường link dẫn tới một trang web kỹ thuật về chiếc máy bay A320 mà anh lái trong thảm kịch.

Căn nhà của cha mẹ viên phi công này vẫn kéo rèm che kín, với 4 chiếc xe cảnh sát đỗ ở ngoài. Peter Ruecker, một thành viên câu lạc bộ phi công từng chứng kiến Lubitz học lái máy bay cho biết: “Cậu ta rất vui khi được nhận vào làm ở Germanwings, và cậu ấy đã làm tốt công việc. Cậu ấy không có vẻ gì bất mãn cả.”

Ông Ruecker cũng nói thêm rằng Lubitz đã nhận bằng lái tàu lượn từ khi còn là thiếu niên, và được nhận làm phi công thực tập tại Lufthansa sau khi hoàn thành việc học tại một trường dự bị đại học có tiếng. Lubitz là một chàng trai trẻ “có chút trầm lặng” nhưng cũng thân thiện.

Công tố viên Brice Robin ở Marseille cho biết cơ phó Lubitz đã “không nói một lời” trong suốt 10 phút trước khi máy bay rơi. Lubitz không trả lời bất cứ câu hỏi nào hay mở cửa buồng lái trước khi máy bay va chạm, và vụ tai nạn được cho là “hành động cố ý.”

Lubitz từng được Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) vinh danh vì khả năng lái máy bay của mình trong cơ sở dữ liệu chứng chỉ phi công, một danh sách rất nổi tiếng của FAA. Những người có tên trong danh sách đều là những phi công “đạt hoặc vượt xa các tiêu chuẩn rất cao của FAA về trình độ học vấn, điều kiện cấp bằng lái và sức khỏe.”

Những tiêu chuẩn này đều được nâng lên theo thời gian để giảm thiểu nguy cơ đến từ phi công có thể dẫn đến tai nạn chết người.

Những điều chưa biết về cơ phó cho máy bay Airbus lao vào núi ảnh 2Trang Facebook của Lubitz. (Nguồn: Mirror)

Tờ tạp chí hàng không Aviation Business Gazette từng viết: “Trong nhiều trường hợp, chứng chỉ phi công của FAA chính là thứ làm nên sự khác biệt giữa một chuyến bay an toàn và một tấn thảm kịch.”

Để nhận được chứng chỉ, phi công phải có bằng lái máy bay dân dụng, có kinh nghiệm tương đương 1.500 giờ bay, và ít nhất đã 21 tuổi. Họ cũng phải trải qua một cuộc kiểm tra thể chất trước khi được xem xét cấp chứng chỉ.

Lubitz đã hoàn thành bài kiểm tra thể chất của mình năm 2010, và kết quả này sẽ hết hiệu lực vào tháng 6/2015. Anh đã có 630 giờ bay trên một chiếc A320.

Công tố viên Brice Robin cho rằng cơ phó Lubitz đã điều khiển cho máy bay đâm xuống đất, nhưng các hành khách chỉ nhận ra điều đó “trong những khoảnh khắc cuối cùng.”

“Anh ta đã làm điều này vì một lý do nào đó chưa rõ. Chúng tôi chỉ có thể suy đoán anh ta đã cố tình để máy bay mất độ cao. Tôi nghĩ các nạn nhân chỉ nhận ra sự việc vào những giây cuối cùng, bởi ghi âm trong hộp đen chỉ có những tiếng thét vào thời điểm đó.”/.

Những điều chưa biết về cơ phó cho máy bay Airbus lao vào núi ảnh 3Ngôi nhà của cha mẹ Lubitz vẫn kéo rèm che kín, với 4 chiếc xe cảnh sát đỗ ở ngoài.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục