Số hóa truyền hình: Không để xảy ra cảnh “nghèo còn lãng phí”

Khi đơn vị truyền dẫn phát sóng toàn quốc đã phát kênh truyền hình quảng bá, mà các đơn vị truyền dẫn khu vực lại tiếp tục phát kênh này sẽ xảy ra tình trạng chồng chéo, lãng phí.
Số hóa truyền hình: Không để xảy ra cảnh “nghèo còn lãng phí” ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: LGE Việt Nam)

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam vào ngày 21/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son (Trưởng ban chỉ đạo Đề án) đã đồng ý với đề xuất không chồng chéo trong việc phát sóng kênh quảng bá.

Trước đó, Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã đề xuất việc phân công truyền tải không khóa mã các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị [kênh truyền hình quảng bá-pv] của Trung ương và địa phương cho các đơn vị truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất toàn quốc và khu vực.

Nguyên tắc phân công là phân chia trách nhiệm truyền dẫn phát sóng hợp lý, tránh chồng chéo, lãng phí trong sử dụng tài nguyên phổ tần số, đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu xem truyền hình.

Ví dụ, khi đơn vị truyền dẫn phát sóng toàn quốc đã phát kênh truyền hình quảng bá là VTV1, mà các đơn vị truyền dẫn khu vực lại tiếp tục phát kênh này sẽ xảy ra tình trạng lãng phí.

Theo phân tích của ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, khi phát sóng một chương trình cần lượng điện lớn, phổ tần số, đầu tư hạ tầng… khá tốn kém. Trong khi đó, người dân chỉ có nhu cầu bắt được kênh VTV1 để theo dõi là đủ.

Ông Hoan cho rằng, mỗi chương trình chỉ nên một đơn vị truyền dẫn phát sóng để người dân thu được là tốt nhất. Với việc nhiều đơn vị phát kênh truyền hình thiết yếu như hiện nay được xem là nhà nghèo mà còn lãng phí.

Việc phân công không có nghĩa là cấm các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng các kênh thiết yếu. Giả dụ, nếu đài truyền hình nào thấy cần phải phát kênh của mình trên cả nước thì vẫn có thể thuê các doanh nghiệp truyền dẫn thực hiện theo cơ chế thị trường. Còn đối với các kênh nhiệm vụ công ích thì phải có phân công cụ thể.

Đồng tình quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng điều quan trọng  nhất là các kênh thiết yếu phải được tuyên truyền đầy đủ tới người dân, nhưng không nhất thiết phải phát trên tất cả các đơn vị truyền dẫn phát sóng.

Ông Son cũng giao cho Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử lên kế hoạch phân công cho các đơn vị truyền dẫn để tiến hành một cách hợp lý, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực./.

Theo lộ trình số hóa truyền hình, các tỉnh sẽ kết thúc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) để hoàn toàn chuyển sang truyền hình số mặt đất.

Giai đoạn 1 sẽ áp dụng tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội (cũ), Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ (trước ngày 31/12/2015).

Giai đoạn 2 gồm Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang (trước ngày 31/12/2016).

Giai 3 gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang (trước ngày 31/12/2018).

Giai đoạn 4 là các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (trước ngày 31/12/2020).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục