Nâng tầm thương hiệu Trà Việt Nam

Trà Việt Nam: Nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa

Sản phẩm chè (trà) của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 105 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 về sản lượng và xuất khẩu trên thế giới.
Trà Việt Nam: Nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa ảnh 1Thu hoạch chè tại bản Tà Xùa huyện Bắc Yên (Sơn La). (Ảnh: Mai Công Luật/TTXVN)

Việt Nam có nhiều vùng chè nổi tiếng chất lượng cao như Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Sản phẩm chè của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 105 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 về sản lượng và xuất khẩu trên thế giới.

Tuy nhiên, để ngành chè phát triển bền vững đòi hỏi người trồng chè, các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp cần tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển chè Việt Nam.

Đầu tư phát triển thương hiệu chè Việt

Chè là thức uống truyền thống, không những bổ dưỡng cho sức khỏe mà còn mang đậm nét văn hóa giao tiếp của người Việt. Cây chè trồng một lần, có thể cho thu hoạch từ 30-40 năm hoặc lâu hơn nữa.

Cả nước hiện có khoảng 130.000ha chè các loại, năng suất bình quân đạt trên 77 tạ/ha; sản lượng đạt gần 824.000 tấn búp tươi.

Sản phẩm của chè có thị trường rộng, ổn định cả trong và ngoài nước. Chè Việt Nam đã được xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị kim ngạch khoảng 200 triệu USD/năm.

Tuy nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động xuất khẩu chè vẫn đạt kết quả tích cực.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chín tháng đầu năm 2013, xuất khẩu chè đạt 103.000 tấn, giá trị 150 triệu USD. Tốp 10 thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam từ đầu năm đến nay là Đài Loan (Trung Quốc), Pakistan, Trung Quốc, Indonesia, Nga, Afganistan, Hoa Kỳ, Iran, Ba Lan và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Điều này cho thấy, ngành chè Việt Nam đã từng bước nâng cao được giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất.

Trong khi nhiều ngành sản xuất mũi nhọn của Việt Nam còn đang lúng túng với vấn đề bảo hộ thương hiệu trên thị trường quốc tế, thì thương hiệu chè Việt Nam đã được được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường khác nhau như Nga, Đức, Trung, Pakistan...

Từ chỗ chỉ có hai loại chè chính là chè đen OTD cho xuất khẩu và chè xanh cho thị trường trong nước, tới nay, Việt Nam đã có đầy đủ các loại chè phục vụ các nhu cầu tiêu thụ đa dạng trên thế giới.

Cả nước có trên 160 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chè, chủ yếu là chè đen (khoảng 78% tổng sản lượng xuất khẩu), còn lại là chè xanh và các sản phẩm chè khác.

Ngoài lợi ích kinh tế, cây chè còn mang yếu tố xã hội. Cây chè là cây trồng gắn với vùng trung du và vùng núi với trên 400.000 hộ nông dân tham gia sản xuất, giá trị bình quân đạt 68 triệu đồng/ha, có nơi đạt 90-100 triệu đồng/ha. Vì vậy cây chè có ý nghĩa xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân ở vùng cao.

Tuy năng suất chè Việt Nam đã đạt mức bình quân của thế giới, nhưng giá bán chỉ bằng 60-70% giá bình quân trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm chè của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại; chất lượng, mẫu mã chưa hấp dẫn; chưa gắn kết giữa chế biến và sản xuất nguyên liệu.

Trong khi đó, yêu cầu của các nước nhập khẩu về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã ngày càng tăng cao.

Các kênh phân phối chưa mang tính chuyên biệt, chưa có nhiều chương trình quảng bá thúc đẩy nhu cầu sử dụng chè xanh trong nước. Sản xuất chè chủ yếu mang tính chất hộ gia đình nhỏ lẻ, thiếu tính đồng nhất, ý thức người dân chưa cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm có nơi chưa được chú trọng. Thông tin thị trường trong nước thiếu hụt khiến người sản xuất và người tiêu dùng khó nắm bắt được giá thực tế của sản phẩm.

Giải pháp để phát triển bền vững ngành chè

Về quy hoạch và phát triển vùng trồng chè, cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất chè từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang hướng tập trung, có sự quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, cũng sự liên kết ngang giữa nông dân với nông dân và cả sự liên kết dọc giữa nông dân và doanh nghiệp. Việc này giúp nâng cao năng suất, chất lượng, tính an toàn của nguyên liệu chè búp tươi, đảm bảo về khâu chất lượng và các chỉ số tiêu chuẩn nhằm hướng đến các thị trường khó tính trên toàn thế giới.

Ngành chè cũng cần phải tái cơ cấu theo hướng thị trường, phát triển sản xuất chè dựa trên lợi thế từng vùng và có cơ chế hỗ trợ tài chính với người trồng và xuất khẩu chè, tiến lên sản xuất hàng hóa và sản xuất có chứng chỉ, khuyến khích các doanh nghiệp và các vùng đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Cần đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, tăng cường tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm tới cả người sản xuất và người tiêu dùng. Các nhà máy chế biến cần được quy hoạch, sắp xếp lại và phải có liên kết với vùng nguyên liệu, nghiêm chỉnh áp dụng quy trình thực hành chế biến tốt (GMP).

Mặt khác, ngành chè cần nghiên cứu nắm bắt nhu cầu của thị trường để tập trung đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị cạnh tranh, nhằm xây dựng thương hiệu và tạo ưu thế chiếm lĩnh thị trường.

Tập trung phát triển thị trường nội địa với tiềm năng lớn; tăng cường xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế thông qua văn hóa để người dân thế giới có thêm hiểu biết về chè xanh Việt Nam, đồng thời cũng gia tăng giá trị văn hóa của chè xanh và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ chè xanh đối với người dân trong nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục