Việt Nam tham dự kỳ họp của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 38

Đoàn Việt Nam gồm đại diện nhiều bộ ngành và địa phương do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc dẫn đầu sẽ có nhiều hoạt động quan trọng tại kỳ họp.
Việt Nam tham dự kỳ họp của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 38 ảnh 1Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc dẫn đầu đã tham dự kỳ họp. (Ảnh: Bích Hà/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, kỳ họp lần thứ 38 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khai mạc ngày 3/11 tại trụ sở UNESCO tại Paris, Pháp, với sự tham gia của đại diện của 195 nước thành viên, các nước thành viên liên kết, các nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ.

Tại kỳ họp diễn ra từ ngày 3/11 đến ngày 18/11, đại diện các quốc gia sẽ bàn về định hướng của UNESCO trong hai năm tới, giai đoạn 2015-2017, trong đó gắn các phương hướng hoạt động với các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững đã được Liên hợp quốc thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tháng Chín vừa qua tại New York.

Cũng tại kỳ họp này, UNESCO sẽ tiến hành kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Đây là dịp để nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong 70 năm xây dựng và phát triển trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn h​óa nhằm góp phần duy trì hoà bình trên thế giới, đảm bảo sự tôn trọng của tất cả các nước, các dân tộc về công lý, pháp luật, quyền con người cơ bản…

Đoàn Việt Nam gồm đại diện nhiều bộ ngành và địa phương do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc dẫn đầu sẽ có nhiều hoạt động quan trọng tại kỳ họp. Nổi bật là Việt Nam sẽ tham gia ứng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019. Theo chương trình, Thứ trưởng Phạm Công Tạc sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng ngày 6/11.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Việt Nam tham gia kỳ họp lần này với nhiều đề xuất cụ thể: Về khoa học, Việt Nam sẽ đề xuất với Đại hội đồng công nhận hai trung tâm là Trung tâm Vật lý và Trung tâm Toán học trên cơ sở Viện Toán và Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học-Công nghệ Việt Nam như là trung tâm dạng 2 trực thuộc UNESCO. Điều này cho thấy mong muốn của Việt Nam muốn đóng góp vào các công trình nghiên cứu chung của nhân loại đồng thời cũng thể hiện trí tuệ Việt Nam trong những lĩnh vực vốn là thế mạnh của các nước phát triển; Về giáo dục, Việt Nam sẽ giới thiệu chương trình giáo dục bình đẳng giới đang được triển khai trong các trường học tại Việt Nam và đề xuất thiết lập mạng lưới giáo dục bình đẳng giới trên thế giới; Về văn hóa, tại kỳ họp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giới thiệu và đệ trình lên Đại hội đồng một số hồ sơ liên quan đến các di sản văn hóa của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề kỳ họp, ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, đã giải thích ý nghĩa việc Việt Nam tham gia ứng cử để trở thành thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO - một trong ba cơ quan lãnh đạo cao nhất của tổ chức UNESCO. Đó là góp phần triển khai các chính sách hội nhập toàn diện và ngoại giao đa phương của Đảng và Nhà nước, từng bước thực hiện việc giới thiệu các nhà lãnh đạo của Việt Nam vào các vị trí then chốt trong các tổ chức quốc tế quan trọng.

Ông cũng nhắc lại việc Việt Nam thể hiện vai trò tích cực tại UNESCO liên tục trong suốt 15 năm qua với tư cách là thành viên Hội đồng chấp hành qua các nhiệm kỳ 2001-2004 và 2010-2013.

Liên quan đến môi trường, ông cho biết Việt Nam sẽ giới thiệu sáng kiến thí điểm xây dựng Khu dự trữ sinh quyển mô hình phát triển bền vững với việc phát thải carbon thấp tại Cù Lao Chàm, thành công của mô hình này sẽ được nghiên cứu để ứng dụng và nhân rộng ra thế giới.

Ông cũng cho biết Việt Nam cũng sẽ giới thiệu hồ sơ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và đề nghị UNESCO xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trước phiên khai mạc, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Phạm Công Tạc dẫn đầu đã có cuộc gặp với bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã chính thức nêu vấn đề về một đường link của UNESCO dẫn đến trang mạng của Ủy ban Hải dương học quốc tế (IOC) trong đó có đăng những thông tin không chính xác về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trên thực tế, trang mạng IOC đã đăng tải thông tin sai về "hai trạm quan sát mực nước biển tại hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc."

Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã đề nghị UNESCO điều chỉnh kịp thời việc này nhằm tránh gây hiểu lầm cho các quốc gia và các tổ chức quốc tế, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để đảm bảo sự khách quan trong thông tin liên quan đến chủ quyền các quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục