10% dân số dùng thực phẩm từ nước thải độc hại

Hơn 10% số dân trên thế giới đang phải sử dụng các loại thực phẩm được sản xuất từ nguồn nước thải chứa nhiều độc chất nguy hại.
Ngày 23/3, Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng thế giới nỗ lực tập thể, thực hiện các giải pháp thông minh và khoa học để giải quyết vấn đề nước thải và rác thải đô thị.

Nghiên cứu chung giữa Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Chương trình định cư con người (UN-HABITAT) và Ủy ban cố vấn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về nước và vệ sinh (UNSGAB) đã nhấn mạnh, việc biến đổi hai triệu tấn rác hay hai tỷ tấn nước thải đổ vào môi trường hàng ngày thành các nguồn tài nguyên sạch, an toàn và có lợi về kinh tế đang trở thành thách thức lớn của nhân loại trong thế kỷ 21.

Thách thức này ngày càng tăng do thế giới đang đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, đồng thời nhu cầu về lương thực, thực phẩm cũng tăng nhanh.

Dân số thế giới sẽ tăng gấp đôi trong 40 năm tới trong khi hầu hết các thành phố đều thiếu các tiện nghi quản lý và xử lý rác thải do cơ sở hạ tầng không thích hợp.

Nghiên cứu cho biết, hơn 10% số dân trên thế giới đang phải sử dụng các loại thực phẩm được sản xuất từ nguồn nước thải chứa nhiều độc chất nguy hại.

Ít nhất 1,8 triệu trẻ em dưới năm tuổi chết hàng năm, 90% ca bệnh tiêu chảy gây chết 2,2 triệu người mỗi năm do các nguyên nhân từ nước bẩn.

90% lượng nước thải ở các nước đang phát triển không được xử lý, 80% hiện tượng ô nhiễm biển đều xuất phát từ chất thải từ đất liền.

Rác thải công nghiệp, thuốc trừ sâu từ nông nghiệp, phế thải từ khai thác mỏ đã tàn phá môi trường và nguồn cung cấp nước cần nhiều tỷ USD để giám sát và hàng trăm tỷ USD để làm sạch.

Diện tích các vùng đất không thể canh tác do ô nhiễm đã lên tới 245 nghìn km2.

Các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, phải dành nhiều nguồn tài chính hơn để xử lý nguồn nước, rác thải gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, Giám đốc chấp hành UNEP Achim Steiner nhấn mạnh, những chương trình phát triển nền kinh tế xanh có thể chuyển thách thức to lớn này thành cơ hội với nhiều lợi ích cho con người và môi trường.

Các chương trình hành động này bao gồm tiết kiệm chi phí phân bón cho nông dân, các biện pháp khuyến khích bảo tồn hạ tầng sinh thái như các vùng đất ướt cùng cơ hội việc làm và kinh doanh mới trong công nghiệp chế tạo và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Một USD đầu tư vào nước sạch và vệ sinh có thể đem lại từ 3-34 USD tùy theo khu vực và công nghệ được sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục