2014 là năm thách thức với các nước khủng hoảng nợ

Các nước chìm trong khủng hoảng nợ gồm Hy Lạp, Ireland, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang đứng trước một năm 2014 đầy thách thức.

Các nước chìm trong khủng hoảng nợ ở châu Âu gồm Hy Lạp, Ireland, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang đứng trước một năm 2014 đầy thách thức.

Triển vọng kinh tế các nước này sẽ phụ thuộc vào những bước đi mà Liên minh châu Âu (EU) và chính phủ từng nước thực hiện trong bối cảnh những số liệu kinh tế gần đây khá đa chiều.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), ngoại trừ Tây Ban Nha, tất cả các nước trên đều có tỷ lệ nợ/GDP ở mức thấp nhất là 100%. Bên cạnh đó, các nước này đều đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp cao và lĩnh vực ngân hàng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Ireland hiện được xem là quốc gia có triển vọng tốt nhất trong nhóm này sau khi đã ra khỏi chương trình cứu trợ tài chính của EU sớm hơn một tháng và kinh tế đang tăng trưởng. Tuy nhiên, giá trị tài sản của nước này vẫn tiếp tục sụt giảm và tỷ lệ nợ lên tới 125% GDP, mức mà các chuyên gia kinh tế đánh giá là không bền vững.

Italy và Tây Ban Nha cũng đang trên đà phục hồi với việc được các hãng đánh giá tín nhiệm cải thiện mức xếp hạng và lòng tin của các nhà đầu tư gia tăng. Mặc dù vậy, các con số thống kê cho thấy sự phục hồi ở hai nước này chủ yếu là nhờ sự dịch chuyển tăng trưởng từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác và tốc độ tăng trưởng năm 2014 thậm chí sẽ giảm nếu xét trong tương quan với mức tăng dân số.

Bồ Đào Nha cũng ở trong hoàn cảnh tương tự như Italy và Tây Ban Nha.

Trong khi đó, việc Chính phủ Hy Lạp chưa phải tuyên bố phá sản chủ yếu là nhờ các gói cứu trợ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Quy mô kinh tế Hy Lạp hiện đã thu hẹp với tốc độ chậm hơn trước đây. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Hy Lạp vẫn đưa ra dự báo lạc quan cho mức tăng trưởng kinh tế năm 2014.

Các nhà phân tích kinh tế có những đánh giá khác nhau trước tình hình trên. Giám đốc điều hành Văn phòng Italy của Hãng tư vấn Booz & Co. Luigi Pugliese cho rằng hầu hết các tín hiệu tích cực xuất phát từ những cách tiếp cận ngắn hạn của các nhà hoạch định kinh tế, còn thực chất các nước đều chưa có những kế hoạch hoặc chương trình dài hạn.

Theo ông, nhu cầu hiện nay là phải có những cải cách thể chế mạnh mẽ để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng trong dài hạn. Điều này sẽ đòi hỏi quyết tâm chính trị và vốn, trong khi các nước đều chưa sẵn sàng thực hiện.

Chuyên gia kinh tế quốc tế Giuseppe de Arcangelis thuộc trường Đại học Sapienza ở Rome, Italy, cũng đồng quan điểm trên khi cho rằng tăng trưởng phải xuất phát từ nội tại các nền kinh tế và ECB phải làm nhiều hơn những gì có thể, thậm chí là tính tới cả khả năng đưa ra lãi suất âm nhằm tăng tính thanh khoản cho các nguồn cung tiền.

Một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế Mỹ Peter Rupert và Thomas Cooley thuộc Đại học California còn cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực của cả một thế hệ ở châu Âu sẽ suy giảm khi họ được giáo dục và đào tạo kém cũng như đã quen làm việc trong tình hình kinh tế không ổn định.

Theo hai chuyên gia này, bước đầu tiên vẫn phải là cải cách lĩnh vực ngân hàng của mỗi nước nhằm tăng hiệu quả hoạt động và tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Nhiều chuyên gia khác cũng khuyến nghị các giải pháp như khuyến khích sự đổi mới, hỗ trợ các công ty tuyển dụng nhiều việc làm mới hoặc giảm bớt các gánh nặng thuế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục