80% người Séc khẳng định có liên hệ giữa di dân và chủ nghĩa khủng bố

Theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận, 70% người Séc cho rằng đất nước trong tình trạng chiến tranh, 80% khẳng định có mối liên ệ giữa di dân và chủ nghĩa khủng bố.
80% người Séc khẳng định có liên hệ giữa di dân và chủ nghĩa khủng bố ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/11, Bộ Nội vụ Séc thông báo các lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ một người đàn ông chưa được tiết lộ danh tính và quốc tịch vì đã báo động giả về một vụ đánh bom ở Nhà ga đường sắt chính tại thủ đô Prague.

Trước đó, chiều 22/11, Nhà ga đường sắt chính ở Prague và ga tàu điện ngầm nằm phía dưới đã buộc phải đóng cửa suốt hai giờ do có thông tin bị đặt bom.

Đài Radio Praha cho biết, một người đàn ông giấu tên đã gọi điện cho cảnh sát thông báo có vụ khủng bố nhằm vào nhà ga.

Hành khách đã được sơ tán, các đoàn tàu được điều sang những nhà ga khác ở Prague để đội công binh tìm bom.

Tuy nhiên, bom không được phát hiện và Bộ Nội vụ Séc tuyên bố đây là báo động giả.

Đây không phải là vụ báo động khủng bố giả đầu tiên trong năm nay ở Nhà ga đường sắt Prague.

Tuy nhiên, vụ báo động này được coi là nghiêm trọng nhất dưới tác động của các vụ khủng bố ở Paris (Pháp) tối 13/11 vừa qua.

Mặc dù vụ là báo động giả và đối tượng gây rối đã bị bắt, song sự việc này gây xáo trộn tâm lý vốn đang rất bất an của người dân Séc.

Theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận, đa số người dân Séc (khoảng 70%) cho rằng đất nước đang "trong tình trạng chiến tranh."

Có 33% số người được hỏi tin rằng tình hình đã bị thổi phòng. 80% số ý kiến khẳng định có mối liên hệ giữa việc di dân với chủ nghĩa khủng bố.

Cụ thể, 41% số người được hỏi nghĩ rằng nguy cơ khủng bố và hành động bạo lực ở châu Âu là hậu quả trực tiếp của việc di dân từ khu vực khác trên thế giới và sự khác biệt văn hóa làm nảy sinh vấn đề.

40% cho rằng đây có thể là hậu quả di dân nếu người nhập cư bị những kẻ khủng bố khống chế.

Chỉ có 15% số người Séc khẳng định nguy cơ khủng bố và sự di dân không có mối quan hệ với nhau vì trong quá khứ chính các dân tộc thiểu số ở châu Âu cũng tiến hành chiến tranh khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục