87 tiếng đồng hồ đối đầu với động đất và sóng thần

Trận động đất khủng khiếp nhất trong hơn 140 năm qua đẩy những đợt sóng thần cao hàng chục mét ập bờ, cướp đi gần 20.000 sinh mạng.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức.” Câu nói của người xưa quả không sai. Chỉ trong gian khó, những phẩm chất cao cả của con người mới có dịp được bộc lộ đầy đủ và sáng rõ nhất. Trận động đất khủng khiếp nhất trong hơn 140 năm qua đẩy những đợt sóng thần cao hàng chục mét ập vào bờ, cướp đi gần 20.000 sinh mạng chỉ trong giây lát. Chẳng có nỗi đau nào to lớn hơn thế.

Sóng thần cao hơn 10m tấn công Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, gây ra sự cố rò rỉ hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986. Chẳng có nỗi sợ nào tột cùng đến vậy. Tuy nhiên, điều khiến cả thế giới phải nghiêng mình thán phục và ngưỡng mộ con người Nhật Bản chính là sức chịu đựng phi thường và phẩm chất tuyệt vời của họ trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy.

Trở về ký túc xá sau hàng giờ đi bộ len lỏi qua dòng người đổ ra đường đông như nước chảy do hệ thống tàu điện bị đình trệ sau động đất, tôi vội vã gọi điện về nhà cho gia đình thông báo mình vẫn an toàn và bật tivi để theo dõi diễn biến của trận động đất. Các kênh truyền hình địa phương bỏ toàn bộ các chương trình giải trí chỉ để phát duy nhất bản tin đặc biệt, cung cấp những thông tin mới nhất về hậu quả của động đất và sóng thần.

Phát thanh viên các đài NHK, ANN, NNN… liên tục xuất hiện trên truyền hình với bộ đồng phục bảo hộ, đội mũ công nhân để cập nhật từng phút thông tin thảm họa. Những hình ảnh tang thương của thành phố Sendai, Ishinomaki, Minamisanriku... lần lượt hiện lên trên các bản tin breaking news của đài. Nước ùa vào bờ biển, cuốn phăng tàu bè và các phương tiện giao thông, nhà cửa trôi nổi, tiếng người kêu cứu thất thanh, tiếng gọi nhau í ới của những con người đang chới với trong cơn sóng dữ...

Dòng chữ bên góc phải màn hình ghi “số người chết và mất tích...,” những con số ấy cứ 30 phút lại tăng lên từ vài chục đến vài trăm, rồi đến con số hàng nghìn. Lòng tôi như thắt lại... Có lẽ không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai nhìn thấy những hình ảnh thương tâm ấy đều không thể cầm được lòng mình.

Dường như tai họa vẫn chưa đến giờ hạn của nó. Chỉ vài tiếng sau, truyền hình đưa tin khẩn cấp về tình trạng của các lò phản ứng ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 và 2. Người phóng viên tại chỗ của đài truyền hình ANN đã có mặt tại phòng họp báo của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) thông báo những thông tin mới nhất về sự cố tại nhà máy điện. Bầu không khí vô cùng căng thẳng.

Động đất khiến nguồn điện chính cung cấp cho hệ thống làm mát lò phản ứng của nhà máy bị cắt đứt. Trong khi các máy phát điện dự phòng lập tức được khởi động để duy trì hoạt động của hệ thống làm lạnh thì những cơn sóng thần ập vào nhà máy, hạ gục các tổ máy này, tước đi cơ may cuối cùng hòng cứu vãn các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng khỏi nguy cơ nóng chảy. Nhiệt độ tại các lò phản ứng tăng lên. Riêng lò phản ứng số 1, nhiệt độ đã lên tới 1.800 độ C khiến hơi nước bốc lên ào ạt, các thanh nhiên liệu nổi lên khỏi mặt nước hàng mét.

[Nhật Bản vượt qua khó khăn của ngày định mệnh]

Và điều gì đến đã đến. 3 giờ 30 phút chiều 12/3, lò phản ứng số 1 tại Fukushima 1 phát nổ. Đài truyền hình NHK thông báo có ít nhất 4 người bị thương sau vụ nổ hơi nước trên và nồng độ phóng xạ xung quanh nhà máy tăng lên hàng nghìn microsievert/giờ. Tình trạng báo động khẩn cấp được đưa ra.

Không dừng ở đó, các lò phản ứng khác cũng lâm vào tình trạng nguy kịch. Trong hai ngày 14-15/2, các lò phản ứng còn lại đều liên tiếp xảy ra các vụ nổ lớn nhỏ, đẩy tình trạng sự cố hạt nhân ở Fukushima lên mức cao nhất. Nguy cơ một thảm họa hạt nhân đến gần hơn bao giờ hết.

Theo tính toán, nếu các thanh nhiên liệu trong tất cả các lò phản ứng gặp sự cố nóng chảy hoàn toàn thì một số lượng lớn chất phóng xạ sẽ phát tán dữ dội vào không khí, cuốn theo gió, hòa vào các đám mây và mang mưa phóng xạ rải khắp khu vực Kanto, thậm chí toàn bộ nước Nhật cũng sẽ nằm trong vùng phát tán nguy hiểm của phóng xạ. Tuy nhiên, rất may là mọi việc đã không diễn biến theo chiều hướng xấu.

Chính phủ Nhật Bản nâng phạm vi sơ tán khẩn cấp từ 10-20km và cuối cùng là 30km xung quanh nhà máy điện trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ khuyến cáo sơ tán tàu thuyền và các công dân lên 80km. Nồng độ phóng xạ đo được tại cánh cổng nhà máy dao động ở mức hàng trăm milisievert/giờ – mức mà ít có sinh vật nào tồn tại. Truyền hình đưa tin nhà máy đang nỗ lực đổ nước làm mát các lò phản ứng nhằm tránh các vụ nổ tiếp theo. Những hình ảnh từ trực thăng cho thấy nóc lò phản ứng số 1, số 3 và số 4 bị hư hại nặng nề, những cột khói trắng ở lò 3 bốc cao nghi ngút.

87 giờ sống trong nỗi sợ hãi tột cùng. Người dân Nhật Bản như ngồi trên đống lửa. Những gì đã qua khiến cho bất cứ ai chứng kiến cũng đều chung cảm nhận giống như tôi, rằng sinh mệnh con người nơi đây sao mong manh đến vậy. Tôi chợt nghĩ tới cội nguồn của tinh thần võ sĩ đạo và vẻ đẹp trong giây lát của những cánh hoa anh đào.

Có lẽ chính sự mỏng manh của cuộc đời khiến người Nhật luôn có thái độ sống tích cực và quan niệm sống khác biệt với phần đa các dân tộc trên thế giới. Tôi thấy thấm thía hai câu thơ của cố nhà thơ Xuân Diệu: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.” Suy nghĩ của thi sỹ lãng mạn nhất mọi thời đại này hoàn toàn tương đồng với quan niệm sống của người Nhật Bản./.

Hữu Thắng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục