Ai Cập: Biểu tình phản đối chuyển giao 2 đảo cho Saudi Arabia

Làn sóng biểu tình đã bùng phát tại nhiều tỉnh ở Ai Cập nhằm phản đối chính quyền của Tổng thống El-Sisi quyết định trao hai hòn đảo Tiran và Sanafir trên Biển Đỏ cho Saudi Arabia.
Ai Cập: Biểu tình phản đối chuyển giao 2 đảo cho Saudi Arabia ảnh 1Biểu tình trước trụ sở của Hội Nhà báo ở Cairo, phản đối chính phủ chuyển giao hai đảo cho Saudi Arabia. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 15/4, làn sóng biểu tình đã bùng phát tại nhiều tỉnh ở Ai Cập nhằm phản đối chính quyền của Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi quyết định trao hai hòn đảo Tiran và Sanafir trên Biển Đỏ cho Saudi Arabia.

Hàng nghìn người đã tập trung trước trụ sở của Hội Nhà báo ở trung tâm thủ đô Cairo, trong khi các cuộc biểu tình quy mô nhỏ hơn với sự tham gia của hàng trăm người cũng bùng phát ở 8 tỉnh, trong đó có Giza, Alexandria, Sharqiya và Mansoura.

Những người biểu tình xuống đường yêu cầu chính phủ từ chức, đồng thời giơ khẩu hiệu "Lãnh thổ là của Ai Cập."

Chính quyền Cairo đã huy động hàng nghìn cảnh sát và binh sỹ quân đội để ngăn chặn bạo động. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Hơn 100 người đã bị bắt giữ vì tội "biểu tình không phép."

Đến chiều 15/4, các cuộc biểu tình đã được giải tán và bạo lực không xảy ra. Tuy nhiên, những người biểu tình kêu gọi tiếp tục xuống đường vào ngày 25/4 tới.

Trước đó, ngày 9/4, Chính phủ Ai Cập đã quyết định trao hai hòn đảo Tiran và Sanafir cho Saudi Arabia sau khi đạt thỏa thuận giải quyết tranh chấp lãnh hải giữa hai nước.

Động thái này làm dấy lên tranh cãi ở đất nước Kim tự tháp. Những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận này vi phạm điều 151 Hiến pháp hiện hành của Ai Cập, theo đó những thỏa thuận liên quan đến chủ quyền, liên minh hay hòa giải cần phải được đưa ra trưng cầu ý dân, cũng như được thông qua tại Quốc hội trước khi được Tổng thống phê chuẩn.

Ai Cập: Biểu tình phản đối chuyển giao 2 đảo cho Saudi Arabia ảnh 2Người biểu tình giơ khẩu hiệu "Lãnh thổ là của Ai Cập." (Nguồn: THX/TTXVN)

Để lý giải vấn đề này, Tổng thống El-Sisi ngày 13/4 đã triệu tập một cuộc họp được truyền hình trực tiếp với sự tham dự của nhiều thành phần, trong đó có đại diện của 19 đảng phái chính trị, những người đứng đầu các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nhân quyền, Hội đồng Phụ nữ quốc gia và giới truyền thông.

Tại cuộc họp, ông El-Sisi nêu rõ: "Quyết định chuyển giao hai hòn đảo Tiran và Sanafir trên Biển Đỏ cho Saudi Arabia là dựa trên các văn bản chính thức từ các cơ quan nhà nước Ai Cập, bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo quốc gia."

Theo ông El Sisi, quyết định trên phù hợp với Nghị định Tổng thống năm 1990 đã được trình lên Liên hợp quốc. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta không từ bỏ bất cứ quyền lợi gì của dân tộc mình. Chúng ta chỉ trả lại đất về cho chủ của nó."

Nhà lãnh đạo Ai Cập yêu cầu người dân chấm dứt tranh cãi về việc trao hai đảo cho Saudi Arabia.

Nhiều nghị sỹ Quốc hội tham dự cuộc họp thể hiện đồng quan điểm về việc không cần thiết phải tổ chức trưng cầu dân ý về quyết định chuyển giao đảo Tiran và Sanafir cho Saudi Arabia, cho rằng thỏa thuận chuyển giao hai đảo trên chỉ mang tính kỹ thuật, và theo điều 151 Hiến pháp hiện hành, những thỏa thuận như vậy chỉ cần đưa ra xem xét và bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội.

Trung tâm thông tin và hỗ trợ quyết định (IDSC) - một cơ quan trực thuộc chính phủ Ai Cập - cũng đã công bố các tài liệu để phản hồi trước những tranh cãi và hoài nghi của dư luận trong nước và khu vực về việc Cairo trao hai đảo cho Riyadh.

IDSC viện dẫn các văn kiện và tài liệu chính thức chứng minh rằng hai hòn đảo trên thuộc chủ quyền của Saudi Arabia, bao gồm Nghị định Tổng thống 1990 (trong đó nêu rõ đảo Tiran và Sanafir nằm ngoài biên giới Ai Cập), các công hàm năm 1988 và 1989 giữa Bộ Ngoại giao Ai Cập và Bộ Ngoại giao Saudi Arabia; cũng như bản đồ Liên hợp quốc từ tháng 11/1973.

IDSC cũng đề cập một công hàm được Đại sứ Mỹ tại Ai Cập trao cho Cairo năm 1950, trong đó thể hiện hai đảo Tiran và Sanafir là của Saudi Arabia.

Theo IDSC, hai đảo này vốn dĩ thuộc chủ quyền của Saudi Arabia và được giao cho Ai Cập kiểm soát vào năm 1950 giữa lúc leo thang căng thẳng với Israel, do vậy quyết định chuyển giao là hợp pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục