Ai Cập sẵn sàng giải quyết bất đồng kéo dài về đập Đại phục hưng

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi nhấn mạnh Cairo sẵn sàng giải quyết những bất đồng kéo dài hiện nay liên quan đến đập thủy điện Đại phục hưng của Ethiopia.
Ai Cập sẵn sàng giải quyết bất đồng kéo dài về đập Đại phục hưng ảnh 1Công trường xây dựng Đập thủy điện Đại phục hưng trên sông Nile. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/5, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đang ở thăm chính thức Cairo trong hai ngày 8-9/5, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi nhấn mạnh Cairo sẵn sàng giải quyết những bất đồng kéo dài hiện nay liên quan đến đập thủy điện Đại phục hưng của Ethiopia (GERD).

Trong một tuyên bố chính thức, người phát ngôn Phủ Tổng thống Ai Cập, ông Bassam Radi thông báo Tổng thống El-Sisi và người đồng cấp Uganda Museveni đã thảo luận mối quan hệ song phương, một loạt dự án giữa hai nước cũng như tầm quan trọng của nguồn nước sông Nile, đặc biệt là dự án GERD trên sông Nile.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nước sông Nile đối với nhân dân hai nước. Tổng thống El-Sisi tuyên bố Ai Cập sẵn sàng đạt được một thỏa thuận về các vấn đề còn tồn tại liên quan đến GERD. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố Nguyên tắc được Ai Cập, Ethiopia và Sudan ký năm 2015 nhằm đảm bảo các quyền của tất cả các nước chia sẻ nguồn nước sông Nile.

Tổng thống Ai Cập và Uganda cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các nước lưu vực sông Nile nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng bền vững các nguồn nước.

[Thủy điện lớn nhất châu Phi có công suất bằng 6 nhà máy điện hạt nhân]

Trước đó ngày 7/5, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói rằng vòng đàm phán mới nhất về GERD giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan đã không thành công, do Ethiopia và Sudan từ chối chia sẻ báo cáo về nghiên cứu tác động môi trường của đập thủy điện này đối với các nước ở hạ lưu.

Bộ trưởng thủy lợi ba nước Ai Cập, Ethiopia và Sudan đã có cuộc họp tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia hôm 5/5 để thảo luận các vấn đề còn tồn tại liên quan đến báo cáo kỹ thuật do các hãng tư vấn Artelia và BRL của Pháp thực hiện nhằm đánh giá các tác động của GERD. Ông Shoukry cho rằng bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề GERD cần phải dựa trên cơ sở khoa học, đồng thời nhấn mạnh Ai Cập sẵn sàng giải quyết mối bất đồng này.

Sông Nile có ý nghĩa sống còn đối với Ai Cập, quốc gia có tới hơn 90% diện tích lãnh thổ là sa mạc. Đất nước Kim tự tháp đang khai thác khoảng 55,5 tỷ m3 nước mỗi năm từ sông Nile, đáp ứng 95% nhu cầu của khoảng 100 triệu dân.

Căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa Ai Cập và Ethiopia khi Addis Ababa khởi công dự án GERD trên nhánh Nile Xanh vào năm 2011. Đập thủy điện này có tổng kinh phí xây dựng 4,6 tỷ USD và công suất 6.000MW, tương đương với sáu nhà máy điện hạt nhân. Đây là đập thủy điện lớn nhất châu Phi, với dung lượng hồ chứa lên tới 74 tỷ m3.

Chính phủ Ethiopia coi dự án là một "dấu mốc lịch sử," giúp khắc phục tình trạng thiếu điện và phát triển kinh tế. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến được hoàn thành trong năm 2017.

Lâu nay, Ai Cập lo ngại GERD của Ethiopia sẽ làm giảm nguồn nước sông Nile. Mới đây, Ai Cập thông báo muốn Ngân hàng Thế giới (WB) giữ vai trò trung gian để dàn xếp các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan đến GERD, song Ethiopia không chấp thuận đề xuất này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục