Ấn Độ: 240.000 bé gái tử vong do định kiến 'trọng nam khinh nữ'

Theo nghiên cứu, gần 240.000 trẻ em gái dưới 5 tuổi tại Ấn Độ đã tử vong mỗi năm do bị bỏ mặc trong một xã hội vẫn tồn tại định kiến "trọng nam khinh nữ."
Ấn Độ: 240.000 bé gái tử vong do định kiến 'trọng nam khinh nữ' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo nghiên cứu về tình trạng phân biệt giới đăng tải trên tạp chí y học The Lancet ngày 15/5, gần 240.000 trẻ em gái dưới 5 tuổi tại Ấn Độ đã tử vong mỗi năm do bị bỏ mặc trong một xã hội vẫn tồn tại định kiến "trọng nam khinh nữ."

Nhiều trường hợp thậm chí còn chưa cất tiếng khóc chào đời, do cha mẹ phá thai chỉ bởi biết giới tính thai nhi là nữ.

Đồng tác giả nghiên cứu Christophe Guilmoto thuộc Đại học Paris Descartes đã cùng các cộng sự thu thập số liệu từ 46 địa phương ở Ấn Độ để tính số trẻ em gái bị tước đoạt cuộc sống trong một xã hội vẫn còn nhiều định kiến với nữ giới.

Kết quả cho thấy trong tổng số 1.000 trẻ em gái chào đời vào giai đoạn 2000-2005, trung bình có khoảng 19 trẻ bị tước đoạt mạng sống do những tác động từ thành kiến về giới.

Ước tính, tư tưởng cổ hủ này cướp đi sinh mạng của khoảng 239.000 bé gái mỗi năm và tính trong cả một thập kỷ, con số đó lên tới 2,4 triệu sinh mạng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tư tưởng "trọng nam khinh nữ" là vấn đề dễ dàng nhận thấy tại miền Bắc Ấn Độ, đặc biệt tại 4 bang Uttar Pradesh, Bihar, Rajasthan và Madhya Pradesh.

Tư tưởng lệch lạc này chủ yếu tồn tại ở các vùng nông thôn, vùng canh tác nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, trình độ học vấn thấp, tỷ lệ sinh cao và mật độ dân số dày đặc.

[Hàng loạt bệnh nhi tử vong khó hiểu tại bệnh viện lớn của Ấn Độ]

Nhóm nghiên cứu còn nhấn mạnh thành kiến giới tính, ghẻ lạnh trẻ em gái không đơn thuần tước đi cơ hội chào đời của các em, mà còn dẫn tới kết cục bi thảm, đó là hành động kết liễu sự sống đối với những trẻ đã được sinh ra.

Trong khi đó, Viện quốc tế phân tích các hệ thống ứng dụng (IIASA) tại Áo cho biết khoảng 22% trong tổng số ca tử vong ở các bé gái dưới 5 tuổi tại Ấn Độ là do phân biệt giới tính.

Vấn đề bình đẳng giới không chỉ đề cập sâu xa tới quyền được học tập, làm việc hoặc có tiếng nói trong đời sống chính trị, mà còn đề cao trước tiên tới quyền được chăm sóc, tiêm chủng, quyền được đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em gái, và hơn hết là quyền được sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục