Ấn Độ và Iran đạt được thỏa thuận cuối cùng về dự án phát triển Cảng Chabahar

Cảng Chabahar là trung tâm quan trọng của dự án Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc-Nam (INSTC) dài 7.200km, vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ, Iran, Afghanistan, Armenia, Azerbaijan, Nga, Trung Á và châu Âu.

Cảng Chabahar là cảng nước ngoài của Ấn Độ tại Iran. (Ảnh: The India Times)
Cảng Chabahar là cảng nước ngoài của Ấn Độ tại Iran. (Ảnh: The India Times)

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á, ngày 15/1, Ấn Độ và Iran đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về dự án phát triển Cảng Chabahar - cảng nước ngoài đầu tiên của Ấn Độ - ở Đông Nam Iran.

Thỏa thuận này đạt được trong cuộc gặp tại thủ đô Tehran của Iran giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Đường bộ và Phát triển đô thị Iran Mehrdad Bazrpash.

Thỏa thuận dài hạn mới này nhằm thay thế hợp đồng ban đầu chỉ bao gồm các hoạt động của Ấn Độ tại nhà Ga Shahid Beheshti ở Cảng Chabahar và được gia hạn hàng năm.

Thỏa thuận mới sẽ có hiệu lực trong 10 năm và sẽ được tự động gia hạn.

Ấn Độ đã thúc đẩy dự án Cảng Chabahar để tăng cường thương mại khu vực, đặc biệt là kết nối với Afghanistan kể từ năm 2016, khi ký thỏa thuận ba bên với Iran và quốc gia hiện do Taliban lãnh đạo để phát triển nhà ga Shahid Beheshti.

Ấn Độ đã cam kết đầu tư 85 triệu USD vào nhà ga này và đã cung cấp cần cẩu cùng các thiết bị khác trị giá nhiều triệu USD.

Tại một hội nghị kết nối ở Tashkent vào năm 2021, Bộ trưởng Ngoại giao S Jaishankar từng dự kiến Cảng Chabahar là một trung tâm trung chuyển quan trọng trong khu vực, bao gồm cả Afghanistan.

Vào tháng 11/2023, Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vinay Kwatra đã thảo luận với Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian về các cách tăng cường kết nối thông qua Cảng Chabahar chiến lược và tình hình hiện nay ở Tây Á phát sinh từ xung đột Hamas-Israel.

Cảng Chabahar cũng được coi là một trung tâm quan trọng của dự án Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc-Nam (INSTC) - dự án vận tải đa phương thức dài 7.200km để vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ, Iran, Afghanistan, Armenia, Azerbaijan, Nga, Trung Á và châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục