Ấn Độ với tham vọng trở thành cường quốc kinh tế-chính trị thế giới

Ấn Độ sẽ không thoả mãn nếu chỉ dừng lại ở một cường quốc khu vực, chỉ khi trở thành một cường quốc thế giới một cách đầy đủ về bản sắc và địa vị thì nước này mới có thể thoả mãn.
Ấn Độ với tham vọng trở thành cường quốc kinh tế-chính trị thế giới ảnh 1Cảng Mumbai, Ấn Độ. (Nguồn: theprint.in)

Theo bài viết trên mạng Bình luận Trung Quốc tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 21/7, sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Mỹ muốn Ấn Độ gia nhập hàng ngũ các nước trừng phạt Nga, nhưng rõ ràng nước này chưa đạt được mục đích.

Truyền thông phương Tây đăng các bài báo cho rằng hơn nửa thế kỷ hợp tác quân sự với Nga đã khiến Ấn Độ bị phụ thuộc vào vũ khí Nga. Vì vậy, Ấn Độ sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này, dù về góc độ kinh tế hay từ góc độ an ninh quân sự. Ngược lại, Ấn Độ sẽ mua thêm dầu và khí đốt từ Nga để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong nước.

Tham vọng không dừng ở khu vực

Truyền thông một số nước châu Á bình luận rằng Ấn Độ đang “làm giá” trong vấn đề liên quan đến Nga. Điều này rõ ràng đã đánh giá thấp tham vọng chiến lược của Ấn Độ.

Đối với nước này, vấn đề liên quan đến Nga không quan trọng, điều quan trọng là thái độ và lập trường của Ấn Độ đối với những vấn đề này. Ấn Độ sẽ không thoả mãn nếu chỉ dừng lại ở một cường quốc khu vực, chỉ khi trở thành một cường quốc thế giới một cách đầy đủ về bản sắc và địa vị thì nước này mới có thể thoả mãn.

Không thể phủ nhận Ấn Độ là một quốc gia rất quan trọng xét về tổng thể nền kinh tế và tầm ảnh hưởng trong khu vực. Việc Ấn Độ từ chối tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) phần nhiều xuất phát từ nguyên nhân chính trị trong nước.

Ấn Độ hy vọng có thể trở thành đối trọng với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ấn Độ tự xem mình là bá chủ ở khu vực Ấn Độ Dương và do đó cực kỳ nhạy cảm với sự hiện diện của Mỹ, Australia, Nhật Bản và Trung Quốc ở khu vực này.

[Ấn Độ, Trung Quốc có khả năng nối lại vòng đàm phán thứ 16 về LAC]

Việc Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương đã khiến Ấn Độ không hài lòng. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka, các phương tiện truyền thông Ấn Độ đã ra sức chỉ trích vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này, cho rằng chính vì Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Sri Lanka đã khiến nước này rơi vào bẫy nợ và không thể thoát ra.

Sự đảo lộn trắng đen này một mặt phản ánh sự lo lắng của Ấn Độ, mặt khác cho thấy rõ ràng Ấn Độ coi Ấn Độ Dương là phạm vi ảnh hưởng của riêng mình và không cho phép các nước khác gia tăng hoạt động trong khu vực này.

Tuy nhiên, Ấn Độ rõ ràng không hài lòng với việc chỉ trở thành một cường quốc khu vực. Trong vấn đề căng thẳng Nga-Ukraine, những gì Ấn Độ thể hiện là rất đáng chú ý, Ấn Độ đang cố gắng đi theo con đường riêng của mình để cho cộng đồng quốc tế thấy nước này độc lập trong việc ra quyết định và là một bên ra quyết định về các vấn đề quốc tế.

Trong những năm gần đây, các hoạt động ngoại giao của Ấn Độ hầu như chỉ xoay quanh việc cạnh tranh một ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ấn Độ liên tục được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, việc này nhằm tạo ấn tượng với cộng đồng quốc tế rằng nước này sẽ là bên ra quyết định chính trong các vấn đề an ninh quốc tế chứ không phải là một bên đứng ngoài cuộc hay một bên tham gia thông thường.

Chắc chắn Ấn Độ sẽ không hài lòng với việc chỉ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mục tiêu của Ấn Độ là phấn đấu trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, theo Hiến chương Liên hợp quốc, để có thể trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ấn Độ sẽ phải tìm cách sửa đổi Hiến chương. Các quy định, thủ tục của Hiến chương Liên hợp quốc rất rõ ràng và các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quyền phủ quyết.

Kết quả là Ấn Độ gần như bị cuốn vào vòng luẩn quẩn trên con đường dài tới mục tiêu trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Dù vậy, Ấn Độ vẫn cố gắng hết sức nhằm giành được sự ủng hộ của Mỹ, Pháp và Anh với hy vọng trở thành thành viên thường trực càng sớm càng tốt. Tăng cường mối quan hệ với Nga chắc chắn là một phần quan trọng trong nỗ lực này.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Ấn Độ có thể sẽ hợp tác với Anh để tăng cường ảnh hưởng quốc tế và phấn đấu trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Dù sao, Ấn Độ cũng đã từng là thuộc địa của Anh.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Anh rất đặc biệt. Sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), nước này đang tìm kiếm các đối tác mới và thuộc địa cũ Ấn Độ chắc chắn sẽ trở thành một đối tác quan trọng của Anh.

Kết quả có thể xảy ra nhất là Anh và Ấn Độ hợp lực để hình thành một mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn. Được Anh đề cử, được Mỹ và Nga ủng hộ, không bị Pháp phản đối, Ấn Độ có thể sẽ hiện thực hóa giấc mơ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo quan điểm của Ấn Độ, Trung Quốc có thể là trở ngại duy nhất trong việc Ấn Độ được bầu làm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sự cạnh tranh giữa hai nước sẽ là không thể tránh khỏi trong tương lai.

Vì vậy, Chính phủ Ấn Độ luôn áp dụng chính sách không mấy thân thiện khi xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Dù trong việc củng cố an ninh quốc phòng hay trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Ấn Độ luôn coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, lấy Trung Quốc làm cái cớ để củng cố sức mạnh quân sự và tiến hành cạnh tranh thương mại với Trung Quốc.

Tranh cãi về tiềm lực thật sự của Ấn Độ

Ở Trung Quốc, có những quan điểm khác nhau về chiến lược phát triển của Ấn Độ. Một số học giả cho rằng sức mạnh quốc gia của Ấn Độ đang được đánh giá quá cao, các nước phương Tây đã đưa ra những báo cáo sai lệch về Ấn Độ nhằm kiềm chế Trung Quốc, biến Ấn Độ trở thành một cường quốc trên thế giới.

Tuy nhiên, một số học giả cho rằng sự phát triển của Ấn Độ là điều hiển nhiên. Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới và có dân số trẻ hơn, Ấn Độ có thể sẽ phát triển và đuổi kịp, thậm chí vượt qua Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới trong tương lai. Trong tương lai gần, Ấn Độ sẽ trở thành nước đông dân nhất thế giới. Với thị trường tiêu thụ khổng lồ, Ấn Độ sẽ thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, sự phát triển của Ấn Độ còn nhiều điểm bất ổn. Điều này một phần là do hệ thống chính trị của Ấn Độ, quyền lực và năng lực lên kế hoạch phát triển kinh tế của chính quyền trung ương Ấn Độ bị hạn chế.

Dù đảng cầm quyền Ấn Độ đã củng cố quyền lực của chính quyền trung ương và cố gắng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế trong những năm gần đây, nhưng do việc ban hành một loạt chính sách kinh tế làm tổn hại đến các nhóm lợi ích và làm gia tăng xung đột trong nước, liệu đảng cầm quyền có thể củng cố vị trí của mình hay không còn cần tiếp tục theo dõi thêm.

Mặt khác, hệ thống kinh tế của Ấn Độ khiến cho việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững phải đối mặt với áp lực rất lớn. Ấn Độ là nước có tỷ trọng ngành dịch vụ tương đối lớn. Điều này là do sau khi Ấn Độ thoát khỏi chế độ thuộc địa, nước này phải đối mặt với sức ép của Anh trong việc phát triển kinh tế.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã cố gắng thiết lập nền công nghiệp của riêng mình bằng cách tận dụng vốn nước ngoài. Tuy nhiên trên thực tế, quá trình chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ vẫn chưa thành công.

Điều này được thể hiện trong ngành công nghiệp quân sự của Ấn Độ. Dù là một cường quốc trong khu vực, Ấn Độ chưa có một nền công nghiệp quân sự hoàn chỉnh và hoàn toàn phụ thuộc vào Nga về trang thiết bị quân sự.

Dù Mỹ đã hứa cung cấp cho Ấn Độ một dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu nhằm cạnh tranh ở thị trường vũ khí Ấn Độ, nhưng do lộ trình phát triển công nghiệp quân sự tương đối bảo thủ của Ấn Độ, cho đến nay Ấn Độ vẫn chưa thể hình thành chuỗi công nghiệp quân sự của riêng mình, thậm chí Ấn Độ phải nhập khẩu cả các loại đạn cho các loại súng nhỏ của binh lính. Điều này cho thấy việc phát triển công nghiệp của Ấn Độ đang gặp những khó khăn vô cùng lớn.

Về sản xuất nông nghiệp, dù Ấn Độ là nước xuất khẩu lương thực, nhưng tỷ trọng lương thực bình quân đầu người của nước này không lớn, đồng thời xuất khẩu lương thực không có nghĩa Ấn Độ là cường quốc nông nghiệp. Một sự đối nghịch lớn đã xuất hiện khi các nhà quan sát nhìn vào các số liệu về nạn đói thường xuyên xảy ra ở nước này.

Thậm chí để nhập khẩu hành, Chính phủ Ấn Độ đã phải áp dụng chính sách thương mại đặc biệt. Tất cả những điều này cho thấy rõ rằng sự phát triển kinh tế của Ấn Độ còn đầy bất ổn. Do nền tảng nông nghiệp và công nghiệp yếu kém, Ấn Độ chỉ có thể dựa vào sự phát triển của ngành dịch vụ, đặc biệt là ngành dịch vụ phần mềm, để đạt được tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, ngành dịch vụ phần mềm có số lượng việc làm hạn chế và phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế. Điều này đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ ở mức cao, đồng thời, sau những biến động trên thị trường quốc tế, sự phát triển kinh tế của Ấn Độ đã bị ảnh hưởng nặng. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp, Ấn Độ rất khó có thể trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Lập trường riêng của Ấn Độ trong các vấn đề quốc tế

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cố gắng hết sức để nâng cao vị thế quốc tế của Ấn Độ với hy vọng hiện thực hóa giấc mơ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc càng sớm càng tốt.

Vì kỳ vọng trở thành bên ra quyết định trong các vấn đề an ninh quốc tế, nên Ấn Độ phải hành xử một cách khác biệt và độc đáo trong xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế.

Trước sức ép lớn từ Mỹ, việc Ấn Độ không trừng phạt Nga mà vẫn tiếp tục mua dầu khí của Nga đã thể hiện rõ ràng lập trường riêng của Ấn Độ. Dù các nước Liên minh châu Âu đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ, nhưng chỉ cần phân tích kỹ cấu trúc thương mại của Ấn Độ, người ta sẽ thấy rằng trên thực tế Ấn Độ đang dựa vào việc thành lập “Khu kinh tế Ấn Độ Dương” để đạt được chu kỳ phát triển kinh tế đặc biệt.

Đầu tiên, là một trong những nước đông dân nhất trên thế giới, thị trường nội địa Ấn Độ có nhu cầu rất lớn. Nền kinh tế Ấn Độ có thể dựa vào thị trường nội địa để tăng trưởng bền vững. Do tăng trưởng năng suất không đồng đều ở các vùng khác nhau, nước này đã thiết lập điều kiện để các nguồn lực có thể lưu chuyển trong nước.

Thứ hai, nhiều nước trong khu vực Ấn Độ Dương phụ thuộc rất nhiều vào Ấn Độ để phát triển. Ấn Độ có thể duy trì tăng trưởng kinh tế bằng cách xuất khẩu hàng hóa sang các nước láng giềng, ngoại trừ Pakistan. Dân số Bangladesh đang tăng nhanh và trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Bangladesh cũng đang phụ thuộc vào việc tăng cường hợp tác với Ấn Độ.

Đối với Bangladesh và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân, việc hiện thực hóa khả năng tương tác giữa hai nước có thể giúp họ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mà không phải đối mặt với những biến động lớn.

Dù quan hệ kinh tế và thương mại giữa Ấn Độ và các nước láng giềng đã bị ảnh hưởng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng Ấn Độ vẫn không nới lỏng quan hệ hợp tác với các nước Ấn Độ Dương dù vì lý do địa chính trị hay phát triển kinh tế.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tận dụng triệt để lợi thế địa chính trị của mình để tăng cường hợp tác với các nước Đông Phi, ngày càng nhiều doanh nhân Ấn Độ hoạt động kinh tế ở các nước này.

Thứ ba, Chính phủ Ấn Độ đã xây dựng “Chiến lược phát triển hướng Đông” nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á. Số lượng người Ấn Độ ở nhiều nước Đông Nam Á ngày càng tăng. Ấn Độ đã mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực này bằng cách tăng cường quan hệ thương mại với các nước Đông Nam Á.

Dù Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, nhưng các nước ASEAN vẫn tuyên bố họ sẽ luôn mở cửa với Ấn Độ và sẵn sàng chấp nhận Ấn Độ là thành viên của Hiệp định. Điều này cho thấy việc Ấn Độ trau dồi quan hệ với các nước Đông Nam Á đã cho kết quả tốt. Ở Đông Nam Á - khu vực có dân số tăng nhanh, ảnh hưởng của Ấn Độ có ở khắp mọi nơi.

Thứ tư, ngoài việc tăng cường quan hệ hợp tác với các nước láng giềng ngoại trừ Trung Quốc và Pakistan, Ấn Độ cũng rất coi trọng quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Australia...

Đối với Ấn Độ, việc củng cố quan hệ với Mỹ có thể làm suy yếu vị thế bá chủ của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc lợi, hại, Ấn Độ vẫn quyết định tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.

Thông qua việc làm thân với Mỹ, Ấn Độ rõ ràng hy vọng có thể trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, từ đó có thể trở thành bên ra quyết định về an ninh quốc tế. Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, việc trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gần như sẽ “khó hơn lên trời” đối với Ấn Độ.

Tuy nhiên, tình huống trớ trêu mà Ấn Độ phải đối mặt là Pakistan và các nước khác phản đối việc nước này trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhật Bản cũng nóng lòng trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nếu Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, giấc mơ này của Nhật Bản sẽ tan thành mây khói.

Điều này là do châu Á không thể cùng lúc bổ sung hai ghế thường trực vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Về phía Anh, tất nhiên, nước này muốn ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng nếu Anh và Ấn Độ ở cùng một vị trí thì vai trò của Vương quốc Anh ở đó sẽ bị suy yếu.

Đó là điều mà Anh hoàn toàn không muốn thấy. Vì vậy, Anh ủng hộ việc Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế, nhưng nếu ảnh hưởng của Ấn Độ vượt qua Anh, thì thái độ của Anh đối với Ấn Độ chắc chắn sẽ thay đổi.

Chưa bao giờ có sự đồng thuận về việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc tăng thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rất khó được quyết định trong ngắn hạn.

Dù các nước trong Liên minh châu Âu muốn Pháp rút khỏi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và để Liên minh châu Âu thế chỗ nhưng Pháp kiên quyết phản đối. Điều này cho thấy khi liên quan đến lợi ích cốt lõi của quốc gia, các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ không vô tư như trong các tuyên bố ngoại giao.

Khi liên quan đến lợi ích cốt lõi của quốc gia, các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất định sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình. Vì vậy, nếu Ấn Độ muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong ngắn hạn, đó có thể chỉ là giấc mơ.

Ấn Độ là quốc gia độc lập, Trung Quốc tự kiểm soát vận mệnh của mình

Đối với Chính phủ Ấn Độ, việc từ chối trừng phạt Nga là vì nước này cân nhắc cả những thực tế và nhu cầu chiến lược. Nếu không có sự hỗ trợ quân sự của Nga, Ấn Độ sẽ rất khó duy trì lợi thế quân sự của mình ở Nam Á. Điều này cho thấy tình hình Nam Á vẫn đang căng thẳng và trong ngắn hạn, quan hệ Trung-Ấn khó có thể cải thiện. Một số học giả Trung Quốc tin rằng Trung Quốc và Ấn Độ có cùng quan điểm về vấn đề Nga và có thể hợp tác cùng nhau.

Tuy nhiên, đây là một nhận định sai lầm được đưa ra khi một người chưa hiểu rõ về tình hình địa chính trị và chiến lược ở Nam Á. Trung Quốc có thể thảo luận về hợp tác kinh tế với Ấn Độ trong khuôn khổ các hội nghị BRICS (một khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), nhưng hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ có lẽ sẽ không thuận buồm xuôi gió, dù là trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Trung Quốc coi trọng sự phát triển của Ấn Độ và sẵn sàng hợp tác với nước này trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các chính sách phân biệt đối xử của Ấn Độ đối với Trung Quốc đã khiến quan hệ hợp tác giữa hai nước đầy bất ổn. Các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối mạng di động của Trung Quốc đã bị Chính phủ Ấn Độ phạt tiền và các ứng dụng do công ty Trung Quốc phát triển đã bị cấm ở Ấn Độ.

Ấn Độ thà trả giá cao để nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác hơn là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc với quy mô lớn. Do đó, quan hệ thương mại Trung-Ấn vẫn ở mức tương đối thấp. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc nên nhận thức đầy đủ rằng các công ty Trung Quốc có thể chịu thiệt hại lớn hơn nếu Trung Quốc vẫn “mơ mộng” về vấn đề hợp tác giữa hai nước.

Chính phủ Trung Quốc cần nhắc nhở các doanh nghiệp rằng khi hợp tác với Ấn Độ, họ phải hết sức quan tâm đến môi trường đầu tư ở Ấn Độ, cũng như chú ý đến các quy định thương mại của nước này, vì chỉ có như vậy quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc mới được đảm bảo và không bị ảnh hưởng nghiêm trọng do những thay đổi về luật pháp và chính sách trong nước của Ấn Độ.

Trung Quốc sẵn sàng phát triển quan hệ hợp tác với Ấn Độ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Tuy nhiên tranh chấp biên giới và xung đột địa chính trị đã khiến quan hệ hợp tác giữa hai nước tồn tại nhiều bất ổn.

Trung Quốc nên tận dụng tình hình một cách tốt nhất, thực hiện nguyên tắc thực dụng và ký thỏa thuận hợp tác với các quyền và nghĩa vụ ngang bằng trên cơ sở bình đẳng.

Nga muốn đóng vai trò hòa giải giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Có những kỳ vọng rằng Trung Quốc, Ấn Độ và Nga sẽ thiết lập một cơ chế họp định kỳ. Trung Quốc không phản đối điều này.

Tuy nhiên, Trung Quốc hy vọng có thể tiến hành các cuộc tham vấn sâu rộng, trao đổi quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm, tìm kiếm điểm đồng nhất trong khi gác lại khác biệt và đạt được sự đồng thuận trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và BRICS.

Trước sự phát triển của Ấn Độ, Trung Quốc tỏ ra thận trọng. Trung Quốc nên đánh giá một cách khoa học về chiến lược của Ấn Độ trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế. Sự khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ tồn tại một cách khách quan và không thể tránh khỏi.

Trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nước cần tăng cường tham vấn và tìm kiếm sự đồng thuận. Tuy nhiên, đừng kỳ vọng vào Nga để cải thiện quan hệ giữa hai nước. Ấn Độ là một quốc gia độc lập, còn Trung Quốc là một quốc gia tự kiểm soát vận mệnh của mình./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục