An toàn vệ sinh thực phẩm: Càng gần Tết càng lo

Tôm, dừa xiêm ngâm hóa chất, gia cầm không kiểm dịch, bánh kẹo, hạt dưa... không nguồn gốc bày bán tràn lan. Đây là những vi phạm được thống kê sơ bộ từ những cuộc “ra quân” của các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm dịp trước Tết Kỷ Sửu.

Tôm, dừa xiêm ngâm hóa chất, gia cầm không kiểm dịch, bánh kẹo, hạt dưa... không nguồn gốc bày bán tràn lan. Đây là những vi phạm được thống kê sơ bộ từ những cuộc “ra quân” của các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm dịp trước Tết Kỷ Sửu.

Vậy nên, để bảo vệ sức khỏe trước những nguy cơ rình rập, người tiêu dùng không có cách nào khác là trở thành những “nhà thông thái”.

Phát hiện tôm, dừa xiêm ngâm hóa chất

“Đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm quận Hoàng Mai, Hà Nội vừa phát hiện một cơ sở ngâm dừa xiêm trong hóa chất. Sau chừng nửa phút, quả dừa xiêm trở nên rất trắng. Do đó, chúng tôi rất lo ngại không rõ hóa chất này có đảm bảo an toàn cho người sử dụng hay không, có thể hóa chất sẽ ngấm vào trong thịt và nước dừa...”, bà Lưu Thị Thanh, Trưởng Phòng Y tế quận Hoàng Mai phản ánh.

Chưa hết, tại Hoàng Mai còn phát hiện một chủ hàng sử dụng hóa chất nhằm giữ tôm được tươi lâu. Ngoài việc thu giữ 18 g tôm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Y tế quận Hoàng Mai đã lấy các mẫu thực phẩm ngâm hóa chất này để xét nghiệm và sẽ sớm cảnh báo cho người tiêu dùng nếu phát hiện đây là hóa chất độc hại.

Theo thông tin từ các đoàn kiểm tra, dịp Tết, việc kiểm soát và ra lệnh xử phạt những trường hợp buôn bán hạt bí, hạt dưa không nguồn gốc gặp rất nhiều khó khăn. Công tác kiểm soát hoạt động buôn bán trứng, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc lại càng phức tạp hơn. “Ngày hôm nay tịch thu thì mai họ lại bán, bỏ qua mọi nhắc nhở và các biện pháp xử phạt hành chính”, bà Thanh bức xúc.

Qua khảo sát cho thấy, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nêu trên không chỉ diễn ra ở quận Hoàng Mai, mà còn diễn ra khá phổ biến tại nhiều chợ ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác. Điều đáng lo ngại nhất là người dân vẫn khá thờ ơ với dịch cúm gia cầm, giữ thói quen sử dụng gia cầm, phủ tạng động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Trong khi đó dịp Tết là thời điểm được các chuyên gia liên tục khuyến cáo dễ bùng phát dịch cúm gia cầm ở đàn gia cầm và ở người nhất.

“Tại tỉnh Khánh Hòa, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vừa kiểm tra 40 nhà hàng ăn uống và cơ sở sản xuất nem, chả. Kết quả là 17/120 mẫu được kiểm tra không đạt yêu cầu chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đã được đoàn kiến nghị thu hồi, tiêu hủy”, một đại diện Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Còn tại Hà Nam, các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt dưa, hạt bí, mứt tết... không rõ nguồn gốc cũng đang được bày bán tràn lan. Tại chợ Phủ Lý, chợ Quế... hàng thực phẩm chín, thực phẩm sống bày bán liền nhau không che đậy. Các loại thịt gia súc, gia cầm, nội tạng, trứng... không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch được bày bán ngang nhiên.

Trong các khu chợ, tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng do người dân giết gà, vịt và mổ cá tại chỗ, đổ chất thải và nước tràn ra phạm vi rộng. Đặc biệt, nhiều cơ sở nấu rượu thủ công phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán sử dụng các dụng cụ rất mất vệ sinh, thùng ủ men thành ngấn vì lâu không rửa, bể nước làm đông rượu cũng đen kịt vì lâu không thay nước, còn cơm để nấu rượu thì được phơi trên nong nia, thậm chí ngay trên nền sân gạch, ruồi nhặng mặc sức bâu đầy.

Mặc dù Hà Nam đã có nhiều biện pháp để cải thiện tình hình, trong đó đặc biệt chú trọng công tác thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, càng đến Tết Nguyên đán, tình hình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm càng có chiều hướng gia tăng, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Kỷ Sửu của ngành chức năng xem ra rất gian nan.

Quan trọng là ý thức người tiêu dùng

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc thành lập các đoàn thanh, kiểm tra chỉ nhằm thắt chặt lại hiệu quả hoạt động giám sát trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm chứ không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Muốn làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành, đặc biệt là cấp chính quyền cơ sở, trong đó phải thực hiện tốt khâu giám sát, quản lý thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng là ý thức của người tiêu dùng. Người dân chỉ nên mua và sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mua hàng ở các cơ sở đạt điều kiện, có công bố tiêu chuẩn chất lượng; phải kiểm tra kỹ nhãn mác trước khi mua hàng và có chế độ bảo quản tốt thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc, hỏng.

Tết Nguyên đán là thời điểm để hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trà trộn gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian tới, đặc biệt dịp Tết Kỷ Sửu này, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã có kế hoạch phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương có cửa khẩu chủ động rà soát các loại hóa chất, phụ gia nhập khẩu, lưu hành hoặc có nguy cơ dùng trong thực phẩm.

Đồng thời, Cục cũng yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành tăng cường thanh, kiểm tra để phát hiện, xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm; đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền để hướng dẫn người tiêu dùng biết phương pháp lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn.

Riêng đối với mặt hàng rau củ quả, nhất là hàng nhập khẩu, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn triển khai kiểm nghiệm mẫu các loại rau quả lưu thông trên thị trường, đặc biệt ở các chợ đầu mối.

Bên cạnh đó, Cục cũng đặc biệt chú trọng hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ các mặt hàng có xu hướng tiêu thụ mạnh trong dịp Tết và có những hình thức xử lý thật nghiêm khắc đối với các vi phạm, đặc biệt là những hành vi gian lận, lạm dụng các loại hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục