Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) đã đăng bài phân tích của nhà báo John Burton, cựu phóng viên của Financial Times thường trú tại Hàn Quốc, trong đó nhấn mạnh rằng Triều Tiên hồi tuần trước đã khiến cả thế giới bất ngờ khi từ chối đề nghị từ Chương trình phân phối vaccine toàn cầu (COVAX) cung cấp khoảng 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của công ty Trung Quốc Sinovac.
Quyết định trên của Bình Nhưỡng đã khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ bởi Triều Tiên đã rơi vào tình trạng "bế tắc nghiêm trọng" trong suốt 20 tháng qua, và việc buộc phải đóng cửa biên giới đã gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế của nước này.
Việc cung cấp vaccine mang lại hy vọng rằng Triều Tiên có thể mở lại biên giới để tiếp nhận viện trợ nhân đạo và giảm bớt áp lực kinh tế khi nước này đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế trong khi thiên tai và tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng.
Vậy chuyện gì đang xảy ra ở Triều Tiên?
Có một lý do giải thích cho động thái trên của Bình Nhưỡng là việc từ chối nhằm củng cố các tuyên bố "lặp đi lặp lại" của Triều Tiên khi đối mặt với sự hoài nghi của toàn thế giới rằng (họ) không ghi nhận có bất kỳ trường hợp mắc COVID-19 nào, đồng thời biện minh cho chính sách tự lực "Juche" của mình.
Điều này cũng tạo cơ hội để ghi điểm cho hoạt động tuyên truyền chống Mỹ, quốc gia vốn đã và đang bị chỉ trích vì đã không làm đủ trách nhiệm trong việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo.
Chính quyền Bình Nhưỡng cho biết họ từ chối đề nghị của COVAX để những lô vaccine được cung cấp cho các quốc gia "bị ảnh hưởng nghiêm trọng," nhất là khi tình trạng khan hiếm vaccine toàn cầu đang phổ biến trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, Triều Tiên cũng có thể rất kén chọn loại vaccine ngừa COVID-19 mà họ sẽ nhận, thể hiện thái độ coi thường khả năng kháng virus của vaccine hoặc ít nhất là cho thấy dấu hiệu "do dự vaccine."
Các phương tiện truyền thông nhà nước cũng đã tuyên bố rằng vaccine "không bao giờ là một loại thuốc phổ biến có thể chữa bách bệnh."
Bình Nhưỡng có thể đã quyết định từ chối vaccine của Sinovac như một hành động phản ứng trước các báo cáo nghi ngờ về tính hiệu quả của loại vaccine này.
Triều Tiên cũng đã từ chối đề nghị của COVAX hồi tháng Bảy vừa qua cung cấp 1,7 triệu liều vaccine của AstraZeneca do lo ngại về các tác dụng phụ, bao gồm cả triệu chứng đông máu.
Triều Tiên có thể muốn có loại vaccine của Pfizer hoặc Moderna chất lượng cao, song nước này lại thiếu các thiết bị bảo quản "siêu lạnh" để bảo quản ngoại trừ các khu vực hạn chế như thủ đô Bình Nhưỡng.
Một lựa chọn khả thi hơn có thể sẽ là vaccine Sputnik V của Nga, song hiện có một số nguồn tin cho rằng Bình Nhưỡng đang yêu cầu Moskva cung cấp miễn phí.
[Triều Tiên tự phát triển thiết bị xét nghiệm virus SARS-CoV-2]
Nếu Triều Tiên mua được vaccine thì có thể tin chắc rằng nước này sẽ triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đã phát triển một chương trình triển khai vaccine quốc gia với sự giúp đỡ của UNICEF và đang làm việc để đảm bảo rằng các hệ thống lưu trữ và phân phối phù hợp được thực hiện.
Tuy nhiên, ít chắc chắn hơn là liệu Triều Tiên có cho phép các nhân viên của tổ chức nhân đạo nước ngoài nhập cảnh để giám sát việc phân phối vaccine hay không.
Lịch sử cho thấy Triều Tiên đã thực hiện thành công các chiến dịch tiêm vaccine. Ví dụ, Triều Tiên đã tiến hành chương trình vaccine sởi vào năm 2007 để loại bỏ căn bệnh này. Ước tính Triều Tiên có thể tiêm chủng trung bình cho khoảng 3,3 triệu người mỗi ngày.
Do nguồn cung vaccine ban đầu sẽ không đủ cung cấp cho toàn bộ dân số (khoảng 25 triệu người) của Triều Tiên nên những đối tượng ưu tiên có thể sẽ là các nhân viên y tế, những người trên 65 tuổi, những người mắc các bệnh nền nghiêm trọng và một số đơn vị quân đội.
Phản ứng "khó hiểu" của Triều Tiên lại là dấu hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 có thể tạo cơ hội để nước này hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác về các vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân.
Chẳng hạn, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gần đây đã thúc giục Bình Nhưỡng cần làm bất cứ điều gì có thể để đảm bảo nguồn cung vaccine cho người dân.
Triều Tiên cũng đã từ chối đề nghị của Seoul để cùng nhau chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm ngày Giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật hồi tháng Tám vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhấn mạnh rằng y tế là một vấn đề có thể đóng vai trò là cầu nối giữa hai miền Triều Tiên.
Seoul hiện cũng đang xúc tiến việc đề xuất để Triều Tiên tham gia Hội nghị Đông Bắc Á về An ninh Y tế, được thiết lập theo đề nghị của Tổng thống Moon Jae-in nhằm đối phó với COVID-19 và các đại dịch khác trong tương lai.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã không có hồi đáp.
Ngoài ra, cả Hàn Quốc và Mỹ cũng đã thảo luận về việc cung cấp viện trợ nhân đạo liên quan đến COVID-19 cho Triều Tiên trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Liên hợp quốc hoặc các tổ chức phi chính phủ (NGO).
Mặc dù rõ ràng Triều Tiên muốn sớm chấp nhận các lô vaccine ngừa COVID-19 và các hoạt động viện trợ nhân đạo giúp giảm căng thẳng kinh tế, song Bình Nhưỡng có thể đang thực hiện một tính toán khác, quyết định một chiến lược "tất cả hoặc không có gì."
Theo dõi diễn biến của đại dịch ở phương Tây, Triều Tiên có thể kết luận rằng việc triển khai sớm vaccine cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự trong xã hội của họ.
Tác giả John Burton đi đến kết luận rằng các quan chức ở Bình Nhưỡng có thể đã kết luận rằng họ không thể mạo hiểm mất cảnh giác vì sự bùng phát COVID-19 trên diện rộng có thể nhanh chóng áp đảo hệ thống chăm sóc y tế vốn đang bị lung lay.
Việc tiêm phòng cho một nhóm người dân hiện nay sẽ chỉ làm dấy lên những hy vọng sai lầm trong công chúng rằng đất nước của họ có thể sớm trở lại trạng thái bình thường như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Do đó, tốt hơn là nên giữ nguyên các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiện nay cho đến khi có đủ vaccine để nhanh chóng tiêm chủng cho hầu hết dân số cùng một lúc./.