“Anh có thể phải bơm thêm tiền cho chương trình QE”

OECD cảnh báo Ngân hàng Trung ương Anh cần bơm thêm tiền cho chương trình QE nếu nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng yếu.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa lên tiếng cảnh báo Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cần chuẩn bị sẵn sàng để bơm thêm tiền cho chương trình nới lỏng định lượng (QE) nếu như nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng yếu trong thời gian tới.

Theo báo cáo khảo sát mới nhất về nền kinh tế Anh, OECD cho rằng với tình hình kinh tế hiện nay, việc mở rộng chương trình mua tài sản là cần thiết nếu nền kinh tế tiếp tục yếu và đây sẽ là lựa chọn tốt nhất.

Tổ chức này khuyến nghị rằng cắt giảm lãi suất xuống 0% cũng là một lựa chọn mà BoE nên cân nhắc, tuy nhiên việc này sẽ không có những lợi thế rõ ràng như việc mở rộng chương trình QE.

OECD cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne sẽ "khai tử" các ngân hàng nước này nếu không phân tách rõ ràng bộ phận bán lẻ với bộ phận đầu tư để tránh nguy cơ phải xin nhà nước cứu trợ trong tương lai.

Tuy nhiên, theo tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp), việc này sẽ đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ. Về triển vọng kinh tế, OECD dự báo nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm nay sau khi sụt giảm 0,1% trong năm 2012.

Nền kinh tế của "đảo quốc sương mù" đã hai lần rơi vào suy thoái trong vòng bốn năm qua và đang có nguy cơ rơi vào suy thoái lần thứ ba.

Cho đến nay, BoE đã bơm tổng cộng 375 tỷ bảng (khoảng 600 tỷ USD) cho chương trình QE của nước này. Mặc dù vậy, nhiều nhà hoạch định chính sách hiện vẫn đang đặt dấu hỏi đối với tính hiệu quả của chương trình QE.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu tài chính (IFS) của Anh cho biết nợ công của nước này trong tài khóa 2014-2015 có thể sẽ cao hơn 64 tỷ bảng (102 tỷ USD) so với con số dự báo năm 2010.

Trong báo cáo Ngân sách xanh năm 2013, IFS cũng nhận định Chính phủ Anh sẽ phải vay mượn nhiều hơn so với dự báo trong năm 2013 và Bộ trưởng Tài chính Osborne sẽ không hoàn thành được mục tiêu cắt giảm nợ công vào năm 2015.

IFS dự báo chi tiêu của ngành dịch vụ công có thể sẽ giảm 1/3 vào năm 2018. Tuy nhiên, việc cắt giảm chi tiêu công cũng có thể khiến cho 1,2 triệu lao động trong ngành này bị mất việc làm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục