Anh muốn giảm căng thẳng với Iran trước cuộc họp với EU

Trong tuyên bố đăng tải trên Twitter ngày 15/7, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh cho biết ông đang trên đường tới Brussels để tiến hành các cuộc họp khẩn nhằm giảm căng thẳng với Iran.
Anh muốn giảm căng thẳng với Iran trước cuộc họp với EU ảnh 1Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt. (Nguồn: EPA)

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã thể hiệp lập trường muốn giảm căng thẳng với Iran trước khi cuộc họp với các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 15/7.

Trong tuyên bố đăng tải trên Twitter ngày 15/7, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh cho biết ông đang trên đường tới Brussels để tiến hành các cuộc họp khẩn nhằm giảm căng thẳng với Iran.

Ngoại trưởng Hunt cho rằng những hành động của Tehran "đang gây bất ổn sâu sắc," song nhà ngoại giao này nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn làm giảm, chứ không muốn làm gia tăng căng thẳng liên quan đến tàu Grace 1 và tránh một khu vực bị hạt nhân hóa."

Theo kế hoạch, ngoại trưởng các nước EU sẽ nhóm họp để thảo luận về thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) cũng như căng thẳng leo thang gần đây giữa Tehran và Washington.

[Anh: Tàu chở dầu Iran sẽ được thả sau khi có bảo đảm về đích đến]

Ngay trước thềm cuộc họp này, chính quyền Tehran cảnh báo nếu các nước châu Âu không thực hiện đúng các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân, Iran sẽ để tình hình quay trở lại thời kỳ như trước khi có thỏa thuận  JCPOA.

Theo JCPOA, Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran.

Tháng 5 vừa qua, Tehran tuyên bố sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani.

Đây cũng chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy thương mại.

Tuy nhiên, cho đến nay, châu Âu vẫn chưa đưa ra được biện pháp nào để giúp Iran tránh khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Căng thẳng giữa Iran và phương Tây tiếp tục leo thang sau khi Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh hôm 4/7 bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran do nghi tàu này vận chuyển dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.

Chính quyền Tehran cho rằng việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran là hành động bất hợp pháp và sẽ gánh chịu hậu quả./.Lan Phương  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục