ASEAN ngày càng đồng thuận, hợp tác cùng phát triển

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng đồng thuận, liên kết chặt chẽ, hợp tác mạnh mẽ để cùng phát triển trong xu thế mới.
Từ 5 quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đặt bút ký vào bản Tuyên bố Bangkok, ngày nay Hiệp hội ASEAN đã gồm 10 nước khu vực Đông Nam Á với những thành tựu chính trị, kinh tế xã hội quan trọng. Chặng đường 46 năm qua kể từ khi thành lập (8/8/1967) đã đánh dấu những bước phát triển lớn của ASEAN.

Ngày nay, Hiệp hội đang ngày càng đồng thuận, liên kết chặt chẽ, hợp tác mạnh mẽ để cùng nhau phát triển trong xu thế mới.

Đoàn kết, hợp tác cùng phát triển luôn luôn là xu thế chủ đạo trong ASEAN trong suốt thời gian qua, là chất keo kết dính chặt chẽ quan hệ giữa các quốc gia trong Hiệp hội.

Hiện nay, hợp tác và liên kết ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với những bước chuyển mạnh mẽ về chất, hướng đến mục tiêu trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, vững mạnh về kinh tế và đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau giữa các quốc gia vào năm 2015.

Trong tiến trình đó, người dân các nước ASEAN, đối tượng trung tâm mà Cộng đồng ASEAN hướng tới, sẽ được sống trong môi trường hòa bình, ổn định và hòa hợp; được tạo điều kiện phát triển bền vững và thịnh vượng trong một không gian kinh tế mở, có khả năng cạnh tranh cao; được tiếp cận với các dịch vụ và phúc lợi xã hội toàn diện, với các giá trị và bản sắc văn hóa đặc sắc được gìn giữ và tôn trọng.

Cùng với việc đẩy mạnh triển khai các Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển, ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, giữa các quốc gia trong Hiệp hội, bảo đảm cả 10 quốc gia thành viên đều cùng đến đích hình thành cộng đồng như mục tiêu đã đề ra.

Để hướng tới một cộng đồng liên kết chặt chẽ và toàn diện vào năm 2015, ngoài những nỗ lực xây dựng cộng đồng an ninh vững mạnh, ASEAN đang nỗ lực hơn nữa trong việc hoàn thành đầy đủ và có trách nhiệm các cam kết khu vực, xây dựng Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.

Những biện pháp kinh tế sẽ được thực hiện quyết liệt hơn nữa như mở cửa thị trường và thuận lợi hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư theo khuôn khổ các Hiệp định Thương mại và Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại và Dịch vụ ASEAN (AFAS), Hiệp định Đầu tư ASEAN (ACIA); đẩy mạnh hoàn thiện các khung chính sách nhằm đưa ASEAN trở thành khu vực kinh tế có sức cạnh tranh; thúc đẩy phát triển cân bằng, bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển; triển khai hiệu quả các thỏa thuận Khu vực Mậu dịch Tự do (FTAs)/Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEP) đã ký với các Đối tác, đưa nền kinh tế ASEAN hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Theo đó, chính phủ các nước thành viên ASEAN sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp chính sách cần thiết để doanh nghiệp và người dân có thể tận dụng tối đa các cơ hội và tiềm năng do Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các khuôn khổ liên kết kinh tế khu vực đem lại.
Theo ước tính, không gian kinh tế Đông Á sẽ chiếm 1/3 tổng dân số thế giới và 1/4 tổng GDP toàn cầu.

Để hiện thực hóa mục tiêu về một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm, các nước thành viên cũng đang dành quan tâm và nguồn lực lớn hơn cho các nỗ lực bảo đảm và nâng cao chất lượng cuộc sống của hơn 600 triệu người dân trong khu vực.

Theo đó, các mục tiêu mà Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đã đề ra như hợp tác phát triển con người, thúc đẩy phúc lợi và bảo trợ xã hội, đảm bảo công bằng xã hội và các quyền lợi chính đáng của người dân, phát triển môi trường bền vững và đề cao bản sắc ASEAN sẽ được đẩy mạnh cả ở cấp độ khu vực cũng như lồng ghép trong các chương trình phát triển quốc gia của mỗi nước.

Các tầng lớp xã hội được khuyến khích tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào tiến trình liên kết khu vực của ASEAN, đồng thời, các Chính phủ cũng đang nỗ lực hơn nữa trong việc đưa các lợi ích thiết thực từ Cộng đồng ASEAN trực tiếp đến với người dân.

Theo Tổng thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh, chỉ còn hơn 2 năm nữa là đến thời hạn mà ASEAN phải hoàn thành mục tiêu đạt tới cộng đồng ASEAN vào năm 2015, hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị liên quan vừa qua tại Bruney đã khẳng định quyết tâm của ASEAN tăng cường nội lực và cố gắng để thành lập cộng đồng vào năm 2015 trên cả ba trụ cột.

Các biện pháp khác cũng sẽ được triển khai một cách đồng bộ và với một quá trình theo dõi sát sao về các tiến triển. Trong 5 năm tới, ASEAN sẽ có hai thời điểm quan trọng là đạt tới cộng đồng ASEAN năm 2015 cũng như mốc 2017 ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập.

Ngay từ bây giờ, ASEAN đã chuẩn bị công việc xây dựng nhãn quan, phương hướng cho ASEAN phát triển trong giai đoạn sau năm 2015, xây dựng các cơ chế để ASEAN đủ năng lực triển khai các biện pháp đảm bảo cộng đồng ASEAN tiếp tục phát triển, tiếp tục hội nhập sâu hơn toàn diện hơn, đảm bảo ASEAN tiếp tục trở thành khu vực có sự cạnh tranh kinh tế cao có sự phát triển đồng đều bền vững và công bằng xem xét việc cải tổ các cơ quan của ASEAN.

Trong quan hệ đối ngoại, hiện nay ASEAN có tới 74 nước không phải thành viên cử đại sứ tại ASEAN thể hiện nguyện vọng và quan tâm của các nước tăng cường hợp tác với ASEAN.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định tinh thần đoàn kết nhất trí của ASEAN ngày càng được thể hiện rõ, đặc biệt trong xử lý những vấn đề nhạy cảm và những ưu tiên cho giai đoạn “nước rút” hình thành Cộng đồng ASEAN và năm 2015.

Theo đó, các nước thành viên tăng cường hơn nữa các nỗ lực huy động nguồn lực, thực hiện tốt các chương trình hợp tác quan trọng của ASEAN, như Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC), Kế hoạch hành động giai đoạn II Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm phát triển bền vững và đồng đều đi đôi với giữ vững các nguyên tắc cơ bản của ASEAN làm cơ sở cho ASEAN tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, góp phần vào phát triển bên vững của khu vực, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra.

Cùng với việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng vào năm 2015, ASEAN cho rằng đây là thời điểm cần xây dựng tầm nhìn xa hơn 2015, tính đến chiến lược phát triển dài hạn của Cộng đồng ASEAN trong các giai đoạn sau năm 2015...

18 năm đồng hành với các nước trong ASEAN kể từ khi gia nhập (28/7/1995), Việt Nam đã nhận được nhiều sự hợp tác, trợ giúp của các nước thành viên, của toàn khối và cũng tự đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý của các nước ASEAN. Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm và cùng các nước thành viên trong Hiệp hội đề ra những định hướng quan trọng giúp đẩy mạnh hành động hướng đến Cộng đồng ASEAN và nâng tầm quan hệ đối ngoại, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong định hướng các tiến trình hợp tác khu vực cũng như xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế thuộc quan tâm và lợi ích chung.

Hợp tác ASEAN sẽ là một trong những trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam…

Việt Nam tự hào là một thành viên tích cực ASEAN, Hiệp hội đang ngày càng khẳng định mình, không chỉ trở thành một thực thể chính trị-kinh tế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, mà đang mở rộng và phát huy vai trò ở cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với uy tín và ảnh hưởng trên toàn cầu./.

Đỗ Quyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục