Ba ưu tiên trong xây dựng văn hóa của các doanh nghiệp năm 2024

Trải qua năm 2023 đầy biến động, 49,22% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết nhiệm vụ hướng tới năm 2024 là định hình lại nền tảng văn hóa doanh nghiệp cho chiến lược phát triển mới.

Văn hóa doanh nghiệp giống như gió, tuy vô hình nhưng mang lại những tác động rất lớn trong sự phát triển của tổ chức. (Ảnh minh họa. Vietnam+)
Văn hóa doanh nghiệp giống như gió, tuy vô hình nhưng mang lại những tác động rất lớn trong sự phát triển của tổ chức. (Ảnh minh họa. Vietnam+)

“Gia tăng trải nghiệm nhân viên; tạo dựng môi trường đổi mới-sáng tạo; xây dựng tổ chức học tập” là ba mục tiêu ưu tiên của các doanh nghiệp Việt trong việc xây dựng văn hóa trong 2024.

Nội dung trên được Báo cáo Đo lường Mức độ trưởng thành văn hóa doanh nghiệp, do Blue C công bố này 12/12.

Báo cáo này được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của 195 doanh nghiệp (từ 13 nhóm ngành nghề khác nhau). Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Blue C thực hiện khảo sát thị trường nhằm cung cấp những đánh giá về hiện trạng văn hóa doanh nghiệp năm 2023 và dự đoán xu hướng nổi bật của văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2024.

Theo báo cáo, trải qua năm 2023 đầy biến động, gần một nửa doanh nghiệp (49,22%) tham gia khảo sát cho biết nhiệm vụ hướng tới năm 2024 là định hình lại nền tảng văn hóa doanh nghiệp cho chiến lược phát triển mới. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hoá đối với sự phát triển của tổ chức. Trong bối cảnh chuyển đổi, việc định hình giúp tạo nên nền tảng văn hóa doanh nghiệp phù hợp với hướng đi mới càng trở nên cần thiết.

Đánh giá về các xu hướng nổi bật của văn hóa doanh nghiệp trong năm 2024, ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc của Blue C chia sẻ văn hóa cũng giống như gió, tuy vô hình nhưng mang lại những tác động rất lớn. Nếu văn hóa "thuận buồm xuôi gió" với định hướng phát triển, tổ chức sẽ tiến nhanh và xa hơn. Trái lại, nếu văn hóa đi ngược với định hướng phát triển của tổ chức, mọi thứ sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Điểm đáng lưu ý, kết quả khảo sát cũng chỉ ra mức độ trưởng thành văn hoá của các doanh nghiệp giảm từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 (trên thang đo 6 cấp độ). Cụ thể, điểm trung bình chỉ đạt 40,14 điểm, giảm 4,26 điểm so với năm 2022. Cả 14/14 yếu tố của văn hóa doanh nghiệp đều giảm điểm, trong đó giảm nhiều nhất là ở tiêu chí đo lường và ngân sách. Kết quả này đã đánh dấu một năm nhiều thách thức của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, thực thi văn hóa có mức điểm yếu nhất khi 73,84% doanh nghiệp chưa đo lường văn hóa doanh nghiệp hoặc có đo lường nhưng chỉ lồng ghép vào các chương trình khảo sát, lắng nghe khác. Khi được hỏi về khó khăn trong xây dựng văn hóa, đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết không nắm vững cách làm, thiếu kỹ năng triển khai đang gây ra những trở ngại lớn cho xây dựng, phát triển văn hóa.

Gần một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát cho hay những khó khăn trong xây dựng văn hóa của họ xuất phát từ việc thiếu phương pháp và kỹ năng triển khai, không đo lường được hiệu quả và nhân lực thực thi mỏng. Ngoài ra, 49,22% doanh nghiệp cho rằng những khó khăn trong xây dựng văn hóa do thiếu phương pháp và kỹ năng triển khai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục