Qua hơn 4 năm thực hiện, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Bạc Liêu không chỉ giải quyết việc nhiều làm mà còn giúp cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn nâng cao thu nhập.
Cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối, quảng bá, chấp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa.
Bạc Liêu hiện có 108 sản phẩm OCOP 3-4 sao; trong đó có 85 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao và 23 sản phẩm đạt 4 sao.
Theo đánh giá của ngành chức năng, chương trình OCOP đã khai thác, khơi dậy và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm OCOP ngày càng nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Qua thống kê cho thấy sau khi được công nhận, sản lượng sản phẩm OCOP, lượng hàng hóa tiêu thụ gia tăng bình quân từ 10-20% so với trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP.
Một số thương hiệu sản phẩm OCOP của Bạc Liêu như tôm nguyên con đông lạnh; các sản phẩm chế biến từ tôm, mực, cá; các sản phẩm muối Bạc Liêu… đã vào được hệ thống các siêu thị trong, ngoài tỉnh cũng như được xuất khẩu sang thị trường các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu…
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP của tỉnh Bạc Liêu cũng còn tồn tại khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Đó là phần lớn các sản phẩm sản xuất theo phương thức thủ công, quy mô hộ gia đình, sức cạnh tranh thấp. Số lượng sản phẩm OCOP có đến trên 100 nhưng chỉ đạt ở cấp độ 3-4 sao.
Bà Võ Thị Hồng Thoại, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thiên Phú, nhìn nhận không riêng gì sản phẩm OCOP của đơn vị mình mà giá trị gia tăng từ các sản phẩm OCOP của các cơ sở khác mang lại cũng không nhiều. Chỉ một số sản phẩm đáp ứng yêu cầu khách hàng ngoài nước, còn lại hầu hết đều sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng chỉ đáp ứng thị trường nội địa.
Bà Thoại kiến nghị ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ các chủ thể trong quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP của Bạc Liêu ra các tỉnh, thành trong cả nước cũng như quốc tế.
[Đầu tư 400 tỷ đồng xây nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc Bạc Liêu]
Cùng quan điểm, ông Võ Hùng Mạnh, chủ cơ sở sản xuất tôm khô Thiên Hương cho rằng chính quyền và ngành chức năng cần hỗ trợ thành lập và bầu ra Ban Liên lạc các chủ thể sản phẩm OCOP Bạc Liêu nhằm kết nối các chủ thể để tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, cũng cần hỗ trợ các chủ thể trưng bài sản phẩm tại một số thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, cũng như quảng bá trên các sản giao dịch thương mại điện tử để nhiều người biết đến.
Ông Đặng Minh Pháp, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết thời gian qua, ngành chức năng đã hỗ trợ nhiều chủ thể mua sắm, lắp đặt máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.
Cùng với đó còn tư vấn cho các chủ thể thiết kế lôgô, bao bì đóng gói sản phẩm bắt mắt để thu hút khách hàng, hay tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; tổ chức và tham gia các hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố; thực hiện Đề án phát triển thương mại điện tử và quản lý, vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất-kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Cụ thể năm 2022, đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP xây dựng 10 website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm OCOP qua hình thức trực tuyến; đưa sản phẩm của 29 chủ thể OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả Chương trình OCOP mang lại trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát và quản lý sản phẩm OCOP; đẩy mạnh quá trình số hóa, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, tăng cường xúc tiến thương mại và kết nối cung-cầu sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến...
Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết trong năm 2023, đơn vị này sẽ tăng cường tổ chức hội chợ, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và các chuyến hàng lưu động về nông thôn.
Đồng thời phối hợp tham gia hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP, đẩy mạnh kết nối cung-cầu, giao thương hàng hóa với các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nhằm tạo ra những kênh tiêu thụ hàng hóa lớn và ổn định; trong đó có các sản phẩm OCOP.
Cùng đó, tham gia hội nghị giao thương kết nối cung-cầu tại Thủ đô Hà Nội nhằm giúp các doanh nghiệp và các chủ thể sản phẩm OCOP tìm kiếm, cùng các tỉnh, thành khác nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tổ chức tập huấn kỹ năng thương mại điện tử, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP…
Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho rằng để các sản phẩm OCOP Bạc Liêu ngày càng lớn mạnh, nâng cao giá trị và đến được với người tiêu dùng trong và ngoài nước rất cần tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Mới đây, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức tham quan mô hình Hội quán ở tỉnh Đồng Tháp. Từ những gì “mắt thấy tai nghe,” ông Phong cho rằng các chủ thể sản phẩm OCOP Bạc Liêu cần hình thành Hội quán các sản phẩm OCOP để liên kết nâng cao chất lượng, tạo ra sản phẩm đủ lớn để cung ứng cho các đối tác.
Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu sẽ phối hợp cùng các ngành có liên quan thành lập các gian hàng giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm OCOP tại Hà Nội để quảng bá các sản phẩm ra thị trường miền Bắc nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, sản phẩm.
Tỉnh Bạc Liêu đề ra mục tiêu cùng với việc công nhận thêm sản phẩm OCOP, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để chắp cánh sản phẩm OCOP vươn xa. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống./.