Ngày 30/5, trong khuôn khổ Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hàn Quốc, Tọa đàm “Kết nối địa phương, doanh nghiệp Hàn Quốc với địa phương Việt Nam” đã diễn ra tại thành phố Seoul, Hàn Quốc, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu.
Về phía Việt Nam có ông Nguyễn Vũ Tùng, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc; lãnh đạo và đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp 4 địa phương Bạc Liêu, Cần Thơ, Kon Tum và Thừa Thiên Huế.
Về phía Hàn Quốc có ông Yoo Ming-bong, Tổng Thư ký Hiệp hội các Thống đốc Hàn Quốc (GAROK); ông Kwak Sungil, Giám đốc trung tâm Quốc gia nghiên cứu về Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC); đại diện các địa phương và hơn 50 doanh nghiệp Hàn Quốc.
[Hàn Quốc dẫn đầu về quy mô rót vốn đầu tư FDI vào tỉnh Bắc Ninh]
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu khai mạc tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng cho biết hoạt động hợp tác giữa các địa phương, chủ thể thụ hưởng quan trọng từ các mục tiêu hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc, diễn ra sôi nổi với tần suất rất cao từ đầu năm 2023, không chỉ giới hạn ở cấp chính quyền, mà còn có sự tham gia rất tích cực, thực chất và trực tiếp của doanh nghiệp và người dân.
Điều này sẽ mở ra nhiều không gian hợp tác mới, đi vào chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, du lịch, việc làm, giáo dục, văn hóa… đặc biệt là các cơ hội về lao động, giao lưu nhân dân, trong đó có kết hôn, du lịch, văn hóa, thể dục-thể thao ngày càng rộng mở.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cam kết luôn đồng hành, kết nối và hỗ trợ giải quyết vướng mắc của địa phương và doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam.
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết Tọa đàm “Kết nối địa phương, doanh nghiệp Hàn Quốc với địa phương Việt Nam” là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong chương trình làm việc của đoàn tại Hàn Quốc, là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư hai bên trao đổi tìm hiểu, kết nối hợp tác, góp phần thúc đẩy xúc tiến đầu tư-thương mại.
Tọa đàm cũng sẽ mở ra những cơ hội, thời cơ hợp tác mới cho địa phương và doanh nghiệp hai nước, đóng góp vào mục tiêu phát triển của các bên.
Ông Yoo Ming-bong, Tổng Thư ký GAROK cho biết sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, có thể nói quan hệ hai nước là một hình mẫu thành công dựa trên sự chân thành, tin cậy về chính trị; sự năng động, linh hoạt, bền vững trong hợp tác kinh tế; và sự gắn bó sâu sắc trong giao lưu nhân dân.
Thời gian tới, GAROK sẽ cùng các địa phương Việt Nam nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm mục đích thúc đẩy, mở rộng hợp tác giữa địa phương hai nước, góp phần tăng cường sự gắn bó hữu nghị đặc biệt của hai quốc gia.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum; ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế; ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu và ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã giới thiệu về các thế mạnh, nhu cầu và những chính sách ưu đãi của 4 địa phương đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đồng thời tìm hiểu nhu cầu, lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum và Bạc Liêu giới thiệu về định hướng, chính sách kêu gọi, thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc vào tỉnh.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cung cấp cho các đối tác Hàn Quốc một bức tranh tổng thể về các lĩnh vực thu hút đầu tư như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử, công nghiệp văn hóa, công nghệ thông tin, xuất khẩu lao động, du lịch, logistics.
Thành phố Cần Thơ khẳng định sự đồng hành của tỉnh đối với các nhà đầu tư, xác định thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh, đồng thời kêu gọi tăng cường hơn nữa hợp tác giữa tỉnh và các nhà đầu tư Hàn Quốc trong các lĩnh vực văn hóa-du lịch, hợp tác lao động, logistics, đô thị thông minh và công nghệ cao.
Trong khuôn khổ hoạt động, đoàn đại biểu các địa phương đã trao đổi, làm việc với ban lãnh đạo GAROK và các cuộc làm việc G2G, G2B với các địa phương, doanh nghiệp Hàn Quốc.
GAROK và cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá cao chương trình làm việc của đoàn, đồng thời đề ra nhiều sáng kiến mở rộng hợp tác với Bạc Liêu, Cần Thơ, Kon Tum và Thừa Thiên-Huế trải rộng trên nhiều lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, xuất khẩu lao động, giáo dục-đào tạo, xây dựng, năng lượng-nhiên liệu và một số lĩnh vực thế mạnh khác mà cả hai bên cùng quan tâm và ưu tiên./.