Bài 2: Cơ hội bứt phá mới cho du lịch ở vùng Đông Nam Bộ

Nâng tầm phát triển cho ngành du lịch ở vùng Đông Nam Bộ

Như đã đề cập ở bài viết "Tiềm năng và bản sắc" trong chùm bài về du lịch Đông Nam Bộ, song du lịch vùng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, đòi hỏi mỗi địa phương cũng như cả vùng có định hướng.
Nâng tầm phát triển cho ngành du lịch ở vùng Đông Nam Bộ ảnh 1Khách du lịch đến tham quan, hành hương tại khu du lịch núi Bà Đen ở Tây Ninh. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Như đã đề cập trong bài viết đầu tiên "Tiềm năng và bản sắc" trong chùm bài viết với chủ đề "Nâng tầm du lịch của Đông Nam Bộ," nơi đây là một trong những vùng du lịch trọng điểm của của nước, Đông Nam Bộ đã có nhiều điểm đến được định vị trên bản đồ du lịch trong nước cũng như trên thế giới.

Song bên cạnh kết quả đạt được, du lịch vùng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, đòi hỏi mỗi địa phương cũng như toàn vùng có định hướng, giải pháp góp phần đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra.

Cần phát triển xứng tầm

Hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch phát triển nhiều loại hình du lịch và dịch vụ, song tại nhiều địa phương vùng Đông Nam Bộ, việc phát triển mạnh ngành "kinh tế không khói" vẫn chưa thực sự tương xứng tiềm năng.

Số lượng khách lưu trú dài ngày ở một số tỉnh còn thấp, nhiều điểm đến mới chỉ thực sự hu hút du khách vào dịp cuối tuần.

Tiến sỹ Lê Văn Khoa, Trường Đại học Thủ Dầu Một, nhận định sản phẩm du lịch ở một số địa phương còn đơn điệu, dễ gây ra nhàm chán cho du khách. Chất lượng sản phẩm du lịch không cao, chưa đủ sức hút khách du lịch và cạnh tranh với sản phẩm du lịch trong khu vực. Một số dịch vụ vui chơi giải trí tại nhiều tỉnh hiện nay chưa được đầu tư xây dựng công phu nên mức độ "lôi kéo" du khách ở dài ngày tham quan trên địa bàn rất hạn chế. Số ngày lưu trú thấp dẫn đến tổng thu từ khách du lịch không cao.

Theo Tiến sỹ Lê Văn Khoa, khi nghiên cứu về việc phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phân bổ du khách, nhất là du khách khách quốc tế, không đều trong vùng là một sự lãng phí. Các địa phương trong vùng nếu có chiến lược thu hút khách quốc tế hợp lý sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế.

[Điểm đến sinh thái - Lợi thế phục hồi du lịch sau dịch ở Đông Nam Bộ]

Ví dụ, các địa chỉ du lịch về nguồn thường nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi điều kiện kinh tế-xã hội, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực khó khăn. Do vậy, cần coi việc thúc đẩy loại hình du lịch về nguồn là đòn bẩy để phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân địa phương. Ngành Du lịch các địa phương cần tăng cường hợp tác, gắn kết các điểm du lịch trên địa bàn với các khu di tích lịch sử văn hóa trong toàn vùng Đông Nam Bộ; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh cần giữ vai trò chủ công, hỗ trợ các địa phương còn lại trong việc xây dựng sản phẩm du lịch.

Quan tâm tới loại hình du lịch sinh thái - một trong những sản phẩm thế mạnh của nhiều địa phương Đông Nam Bộ, Tiến sỹ Vũ Thịnh Trường và Thạc sỹ Nguyễn Hoài Nhân (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai) cho rằng hiện nay, nhiều hoạt động du lịch sinh thái Đông Nam Bộ mới chỉ dừng ở việc đưa du khách "đi xem," "đi cho biết" và tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, chưa thực sự có nhiều trải nghiệm để du khách tìm hiểu đầy đủ về giá trị cảnh quan rừng, biển đảo và các giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng cư dân địa phương.

Nhiều địa phương trong vùng cũng như các khu vực lân cận chưa hình thành được các tour, tuyến đặc thù về du lịch sinh thái.

Ngoài ra, nhìn từ góc độ nguồn nhân lực, nhiều địa phương trong vùng còn tình trạng thiếu đội ngũ lao động giàu tay nghề, kinh nghiệm, thông thạo ngoại ngữ ở các địa phương, nhất là ở các điểm đến du lịch cộng đồng khiến sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch, dịch vụ ở điểm đến bị giảm sút.

Tạo ấn tượng đậm hơn về du lịch vùng

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề cập nhiều nhiệm vụ, giải pháp cho vùng.

Nghị quyết nêu rõ: Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế; phát triển dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; công nghệ thông tin-viễn thông, khoa học-công nghệ; du lịch, logistics...

Đại diện các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đều khẳng định Nghị quyết số 24-NQ/TW đang mở ra những cơ hội mới cho phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng, trong đó có ngành du lịch - một trong những thế mạnh của Đông Nam Bộ. Để triển khai hiệu quả, từng địa phương cũng như toàn vùng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.

Nâng tầm phát triển cho ngành du lịch ở vùng Đông Nam Bộ ảnh 2Hệ sinh thái rừng biển liền kề là thế mạnh để Hồ Tràm ở Bà Rịa-Vũng Tàu, trở thành điểm đến du lịch phía Nam. (Nguồn: Novaland)

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, các địa phương, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ ở Đông Nam Bộ cần tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm, tạo ấn tượng đậm nét về thương hiệu du lịch của vùng, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn; đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và cách thức xúc tiến quảng bá, kết hợp quảng bá trực tuyến trên các nền tảng số và mạng xã hội; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch.

Nhấn mạnh các giải pháp liên kết, trước hết để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo nền tảng phát triển sản phẩm du lịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành địa phương trong vùng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cấp Cảng Hàng không Côn Đảo, xây dựng Cảng tàu khách quốc tế và hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, các tuyến đường sắt đô thị... Việc hoàn thiện hệ thống giao thông nhằm tăng liên kết các hoạt động du lịch nói riêng, kinh tế xã hội nói chung với các địa phương trong vùng và khu vực.

Tỉnh phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp; phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trở thành sản phẩm đặc trưng; phát triển khu du lịch phức hợp, đẳng cấp quốc tế. Cùng với đó, Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển các đô thị, nhất là các đô thị du lịch ven biển, theo mô hình đô thị xanh, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chất lượng vượt trội, hấp dẫn du khách.

Cùng quan điểm coi trọng giải pháp liên kết, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ cần xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng phát huy thế mạnh từng địa phương, tạo sự liên kết "sáu địa phương, một điểm đến." Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối các tỉnh, thành trong nước và cả quốc tế trên tất cả loại hình phương tiện. Do đó, nếu thực hiện tốt liên kết, Đông Nam Bộ sẽ có "con đường du lịch" nhiều tiềm năng, tăng doanh thu, hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực quảng bá hình ảnh du lịch toàn vùng, nâng cao hơn thương hiệu điểm đến.

Tương tự, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết hòa nhịp cùng những sản phẩm du lịch vùng, trên cơ sở thế mạnh địa phương, tỉnh tổ chức khảo sát và đang xây dựng hình thành một số tour, tiêu biểu như du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thể thao tại Khu Du lịch hồ Suối Giai kết nối với các hoạt động tham quan, công vụ tại thành phố Đồng Xoài; du lịch trải nghiệm sinh thái; khám phá và trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của người S’tiêng, M’nông tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.

Nâng tầm phát triển cho ngành du lịch ở vùng Đông Nam Bộ ảnh 3Du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Oceanami, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Tỉnh kết nối Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, Khu Du lịch trảng cỏ Bù Lạch với các sản phẩm du lịch trải nghiệm trên khinh khí cầu, thể thao; chú trọng du lịch dọc tuyến đường cao tốc Chơn Thành (Bình Phước)-Gia Nghĩa (Đắk Nông).

Bình Phước còn phát triển các tour du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe theo phương pháp đông y, tour du lịch trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm kết nối với Khu quần thể văn hóa-cứu sinh núi Bà Rá, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử; tour du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Phước-Campuchia-Lào-Thái Lan.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, đối với lĩnh vực du lịch, hai địa phương xác định phối hợp quảng bá nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng có tiềm năng, thế mạnh như du lịch tâm linh, lễ hội, sinh thái, văn hóa cộng đồng, ẩm thực, làng nghề, sản phẩm nông sản nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả.

Hai địa phương kết nối các địa điểm du lịch như Tòa Thánh Tây Ninh, Khu du lịch Núi Bà Đen, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết, Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng Sóc Bom Bo, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch các địa phương khu vực Đông Nam Bộ.

Với những định hướng, quyết sách đã được xác định, các giải pháp đồng bộ đã được các ngành, địa phương đề ra, trong thời gian tới, du lịch Đông Nam Bộ sẽ có những bứt phá mới, ghi dấu ấn của một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước./.

Bài 1: Nâng tầm phát triển cho ngành du lịch ở vùng Đông Nam Bộ

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục