Bài 3: Ước mơ chưa tròn và những ca mổ đau đớn của cô bé chân voi

12 tuổi và ngót nghét 12 năm chênh vênh trên đôi chân không lành, nhưng cô bé Nguyễn Thị Loan vẫn thắp lên những ước mơ nhỏ nhoi nhưng đầy mãnh liệt.

12 tuổi và ngót nghét 12 năm chênh vênh trên đôi chân không lành, nhưng cô bé Nguyễn Thị Loan vẫn nhìn cuộc đời bằng ánh mắt trong veo nhất. Với em, thế giới là khoảng sân nho nhỏ trước nhà, là những ngày cùng bố mẹ đi hái trái càphê trên rẫy, là lớp học với nhiều điều em chưa biết. Chưa lúc nào, con chim non bé bỏng đáng thương ấy ngừng mơ ước, những giấc mơ bình dị đến nao lòng.

Thế giới của Loan chỉ quẩn quanh với dãy phòng bệnh viện nôn nao mùi thuốc sát trùng và những ca mổ đau đớn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhìn cuộc đời qua những khung cửa hẹp

Cô bé Loan vẫn ngước đôi mắt to tròn ra khung cửa lớp học. Phía bên ngoài, các bạn đồng trang lứa của Loan đang chạy nhảy. Những tiếng cười, tiếng nói vọng vào khiến Loan chợt mỉm cười. Từ nhiều năm nay, em đã quen với việc nhìn mọi thứ từ góc nhìn riêng biệt ấy của mình khi đôi chân không thể nào đi được.

Chị Nguyễn Thị Tám, mẹ bé, chẳng thể giấu nổi tiếng thở dài khi nghĩ về con. Chị bảo: Do nhà quá nghèo, nên ngay từ nhỏ, mặc dù bị bệnh, nhưng ngày nào Loan cũng phải ở nhà với anh trai để bố mẹ đi làm. Ngày ngày, vợ chồng chị dậy sớm, chuẩn bị cơm nước, rồi cẩn thận chặn một tấm gỗ lớn, cao cả mét trước cửa. Hai đứa trẻ cả ngày quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, chỉ còn biết nhìn ra khoảnh sân phía bên ngoài đợi lúc cha mẹ về.

Đến tận trước lúc đến trường, thế giới của Loan vẫn chỉ quẩn quanh với hiên nhà, với những dãy phòng bệnh viện nôn nao mùi thuốc sát trùng và những ca mổ đau đớn. Thậm chí, ngay cả khi được đi học, cái thế giới vốn nhỏ bé và chật chội ấy cũng không mở rộng ra là bao.

Đôi mắt mở to khe khẽ cụp xuống. Cô bé đang nằm im trên giường bệnh trắng toát nói như khóc: “Con đến lớp, các bạn không ai chơi với con cả. Suốt buổi học con chỉ ngồi trong lớp một mình.”

Cũng do gia đình quá nghèo, nên trong suốt các khoảng thời gian chữa trị bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, thậm chí cả ở Đài Loan, chị Tám và anh Đức cũng không có điều kiện đưa bé Loan ra ngoài thăm thú. Ngoài những lúc điều trị, họ nằm yên trong phòng, giở những cuốn truyện cổ tích ra đọc cho nhau nghe. Hôm nào sức khỏe Loan khá hơn, anh Đức, chị Tám sẽ cố gắng dìu con xuống sân bệnh viện, đẩy cháu đi trên xe lăn cho thoáng đãng.

“Đôi lúc cũng muốn đưa cháu đi đây đi đó cho biết, nhưng một phần do chân cháu đau nhức, một phần nữa do không có nhiều tiền nên chúng tôi cũng đành phải chịu,” anh Đức tâm sự thật thà.

"Cháu chỉ mơ bát canh chua mẹ nấu"

Chúng tôi gặp Loan không lâu sau khi em trải qua đợt phẫu thuật thứ 7 tại một bệnh viện thuộc thành phố Đài Trung, Đài Loan. Lúc này, bé còn khá yếu, người gầy quắt lại. Toàn cân nặng chỉ có 29kg. Phần chân trái được băng kín to gấp 2-3 lần phía còn lại.

Theo chỉ định tạm thời các các bác sỹ, cô bé không được ăn để cho vết mổ trực tràng lành lại. Việc nói chuyện với người khác cũng rất khó khăn do vết đau liên tục hành hạ bé.

Thế nhưng, khi nghe chúng tôi nhắc đến những chuyện khi còn ở Việt Nam, Loan bỗng trở nên hoạt bát hơn nhiều. Cô bé bảo, mỗi lúc xa nhà, em đều rất nhớ mẹ, nhớ anh em ở Lâm Đồng. Đêm nào Loan cũng nằm mơ được ăn bữa cơm có bát canh chua do mẹ nấu, xung quanh có bố và mọi người. Loan cũng nhớ những buổi lên lớp được cô giáo dạy những điều chưa biết cho em.

Bé Loan ước ao có thể đi lại bình thường như bao người bạn khác. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Điều đặc biệt nhất, lần nào khi được hỏi: Giờ con muốn làm gì nhất nếu ở Việt Nam, cô bé con có đôi mắt rất sáng và tròn trước mặt chúng tôi cũng khăng khăng khẳng định: "Con sẽ lên rẫy, hái quả cà phê phụ bố mẹ."

Thấy chúng tôi thắc mắc, anh Đức nãy giờ vẫn ngồi im bên cạnh giải thích: Những ngày ở Lâm Đồng, khi chân Loan đỡ hơn, em vẫn đòi bố mẹ cho lên nương. Khi ấy, bé vừa chống nạng, vừa phụ giúp mọi người thu hoạch cà phê.

Trải qua hành trình 12 năm chênh vênh trên đôi chân không lành lặn, nhưng chưa khi nào Loan từ bỏ hy vọng được đứng lên. Loan bảo “bây giờ, con chỉ ước mình sớm được khỏi bệnh, không phải để bố mẹ cõng, bế nữa. Chân khỏi rồi, con sẽ đi học, sẽ phụ giúp bố mẹ làm việc nhà.”

Nghe đến đây, anh Đức quay mặt đi, khe khẽ thở dài. Suốt hơn 10 năm qua, anh chị và cả bé đã kiên cường chống chọi để giành được giấc mơ ấy. Thậm chí, anh còn quả quyết rằng nếu cần, anh sẽ hy sinh đôi chân mình cho cháu. Thế nhưng, điều ước nhỏ nhoi của Loan vẫn cứ xa vời. Cô bé vẫn đang ngày ngày nhìn cả thế giới qua những ô cửa sổ, cảm nhận thế giới từ trên lưng cha mẹ trong mọi chuyến đi dài…

Ước mơ nhỏ của cô bé chân voi. (Video: Tùng Lâm/Vietnam+)

Bài 4: [Photo] Ám ảnh giấc mơ được đi của cô bé chân voi

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục