'Bài học Triều Tiên' và cảnh báo về vấn đề hạt nhân Iran

Dường như chính quyền Mỹ chỉ chăm chăm đạt được một mục tiêu nhỏ bé là đạt được một thành tích ngoại giao khi đặt bút ký một thỏa thuận hạt nhân mới với Tehran.
'Bài học Triều Tiên' và cảnh báo về vấn đề hạt nhân Iran ảnh 1Quang cảnh vòng đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo ngày 27/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng nationalinterest.org đưa tin cách đây hơn 30 năm, Triều Tiên và Hàn Quốc đã ký một tuyên bố “phi hạt nhân hóa,” trong đó cam kết từ bỏ quá trình tái chế plutoni, làm giàu urani, phát triển vật liệu hạt nhân, thử nghiệm vũ khí hạt nhân hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Để đạt được sự nhất trí này, phía Mỹ đã loại bỏ các tên lửa hạt nhân của mình ra khỏi Hàn Quốc và hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự thường niên Mỹ-Hàn.

Ngoại trưởng Mỹ khi đó là James Baker tự tán dương: “Ngoại giao Mỹ đã có công trực tiếp trong việc chấm dứt thái độ không khoan nhượng của Triều Tiên.”

Thỏa thuận này đã làm hài lòng Washington, song không hề làm nhạt nhòa tham vọng của Bình Nhưỡng. 14 năm sau, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên của mình.

Vì vậy, tuyên bố của một vị tổng thống Mỹ rằng một thỏa thuận hạt nhân hạn chế chấm dứt tham vọng hạt nhân của những nước muốn phát triển hạt nhân chưa bao giờ là tuyên bố cuối cùng và duy nhất.

[Đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran: "Bóng đã ở bên sân Mỹ"]

Những quốc gia tinh ranh, liều lĩnh và ngỗ ngược hiểu rằng việc đẩy bầu không khí lên trình trạng căng thẳng theo kiểu tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” sẽ khiến Washington phải lo sợ.

13 tháng sau khi Mỹ tuyên bố thắng lợi ngoại giao khi đặt tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng trong vòng “kiềm tỏa,” Bình Nhưỡng đã đe dọa rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đẩy mạnh các hoạt động phát triển hạt nhân đãng lẽ ra đã làm dấy lên những quan ngại sâu sắc ở Washington, song đã không thể làm được điều này.

Thay vào đó, những nhân vật cổ vũ cho giải pháp ngoại giao lại muốn đổ lỗi cho Mỹ về những thất bại này.

Nhằm tìm kiếm một giải pháp, ban đầu, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinlton đã nhanh chóng tính đến hành động quân sự, song đã quyết định không lựa chọn giải pháp này.

Đến cuối năm đó, mọi dấu hiệu tiến bộ đều “bốc hơi.” Triều Tiên đe dọa nhấn chìm Seoul trong “biển lửa” và Bình Nhưỡng một lần nữa lại ngăn chặn các hoạt động giám sát cơ sở hạt nhân của mình.

Tổng thống Clinton khi đó đã tìm cách không để Triều Tiên rút khỏi NPT bằng mọi giá.

Nhà đàm phán Mỹ Robert Gallucci giải thích: “Nếu Triều Tiên có thể từ bỏ những nghĩa vụ và cam kết theo hiệp ước đưa ra mà không bị trừng phạt vào thời điểm mà chương trình hạt nhân của họ dường như đã sẵn sàng để chế tạo vũ khí hạt nhân thì điều này sẽ là một cú đòn trời giáng, gây hủy hoại nghiêm trọng đối với hiệp ước này.”

Đây là một minh chứng cho việc “thấy cây mà không thấy rừng,” tức không đoán định được những hậu quả to lớn hơn. Chính những nỗ lực của Washington nhằm “giữ chân” Triều Tiên trong NPT đã khiến Mỹ không nhận ra được lợi ích và mục đích to lớn hơn mà Bình Nhưỡng nhắm đến: đó là ngăn chặn các thanh sát viên hạt nhân đến giám sát các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.

Liên hệ với tiến trình đàm phán hạt nhân với Iran hiện nay, có thể thấy một điểm tương đồng.

Dường như chính quyền tổng thống Mỹ đương nhiệm không nhận thấy tầm quan trọng của việc ngăn chặn nguy cơ đối địch Iran có thể gia tăng sức mạnh hạt nhân của họ, mà dường như chỉ chăm chăm đạt được một mục tiêu nhỏ bé hơn là đạt được một thành tích ngoại giao khi đặt bút ký một thỏa thuận hạt nhân mới với Tehran.

Hồi năm 1994, sau nhiều nỗ lực ngoại giao, rốt cuộc, Clinton đã ký một thỏa thuận khung với Triều Tiên mà về mặt lý thuyết sẽ giúp kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thế nhưng, thỏa thuận này đã không đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Thay vào đó, thỏa thuận đã bỏ qua những vi phạm trước đây của Bình Nhưỡng đối với NPT và cung cấp khoản viện trợ trị giá 4 tỷ USD cho chế độ họ Kim.

Điều đáng buồn là chính quyền George W. Bush đã lặp lại sai lầm này. Gần 8 năm sau khi ký kết thỏa thuận khung, Triều Tiên thừa nhận họ đang theo đuổi một chương trình làm giàu urani bí mật sau khi tình báo Mỹ công bố thông tin về chương trình này. Ban đầu, Tổng thống Bush đã liệt Bình Nhưỡng vào danh sách “Trục ma quỷ.”

Thế nhưng, 6 năm sau, ông Bush đã cung cấp khoản viện trợ trị giá 2,5 triệu USD cho chế độ họ Kim để đổi lại việc Bình Nhưỡng phá hủy Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon.

Chính quyền Mỹ hiện nay đang lặp lại cách tiếp cận tương tự chỉ với những thay đổi nhỏ trong quá trình đàm phán với Iran.

Hồi tháng 7/2015, khi nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc) nhất trí ký kết với Iran Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), giới chính trị gia đã ca ngợi thỏa thuận này.

Sau khi được ký kết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng chúng tôi đã đạt được “điều mà hàng thập kỷ thù địch không làm được - đó là một thỏa thuận toàn diện và lâu dài với Iran giúp ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.”

Chính quyền ông Joe Biden đang lặp lại phương thức này khi chỉ tập trung nỗ lực đưa Tehran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân sắp hết hạn và có tính chất hạn hẹp.

Có hai vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran mang tính hạn hẹp mà nhóm P5+1 đang nỗ lực đàm phán với Tehran.

Thứ nhất, JCPOA không giải quyết những vấn đề liên quan đến các hoạt động hạt nhân ngầm ẩn mà Iran tiến hành trước đây và sau này.

JCPOA đề cập một chế độ thanh sát các cơ sở hạt nhân và Iran công khai. Mặc dù những nước hậu thuẫn JCPOA khẳng định rằng thỏa thuận này bao gồm những hoạt động thanh tra nghiêm ngặt của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - một khẳng định gây tranh cãi - song điều chắc chắn là IAEA đã không hề hay biết về những hoạt động hạt nhân ngầm ẩn của Tehran cho đến khi Israel tố cáo việc này bằng những tài liệu đánh cắp được từ dữ liệu hạt nhân của Iran hồi năm 2018.

Vụ việc đó đã cho thấy sự sai lầm trong tuyên bố nói trên của ông Obama rằng thỏa thuận bao gồm “cơ chế thanh tra và xác minh toàn diện nhất từ trước đến nay về việc kiểm tra chương trình hạt nhân.”

Đã vậy vụ việc trên còn cho thấy sự hớ hênh khi ông Obama bổ sung rằng “điều mấu chốt là nếu Iran gian lận thì chúng ta có thể phát hiện ra và chúng ta sẽ làm được.”

Lâu nay, Iran vẫn kiên quyết ngăn chặn các hoạt động thanh sát đầy đủ và toàn diện, đặc biệt đối với những cơ sở hạt nhân mà nước này coi là vì mục đích quân sự.

Trên thực tế, lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã coi việc thanh sát các cơ sở hạt nhân vì mục đích quân sự nằm trong số những lằn ranh đỏ của Iran.

Hồi tháng 2/2021, Iran đã ngăn chặn IAEA giám sát chương trình hạt nhân của mình.

Mặc dù các nghị sỹ lưỡng đảng sẽ đổ lỗi cựu Tổng thống Donald Trump vì đã rút Mỹ ra khỏi JCPOA, song thỏa thuận này không thay thế những cam kết của Iran đối với NPT mà nước lại tiếp tục vi phạm.

Thường thì các nước không cắt giảm các hoạt động thanh giám sát cơ sở hạt nhân của mình nếu không có gì che giấu. Việc che giấu hệ thống máy ly tâm là điều có thể làm được.

Theo tính toán của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, nếu Iran đưa vào sử dụng kho dự trữ urani làm giàu hiện tai của mình trong một hệ thống máy ly tâm có cấu hình và kích thước vừa trong một nhà kho nhỏ, thì Tehran có thể chế tạo ra đủ lượng urani ở cấp độ vũ khí để sản xuất được một vũ khí hạt nhân trong vòng 1 tháng.

Thứ hai, thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 nói trên không giải quyết vấn đề hợp tác hạt nhân giữa Iran và Triều Tiên.

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc, Tehran và Bình Nhưỡng đã nối lại hợp tác về tên lửa tầm xa vào năm 2020.

Chương trình vũ khí của Triều Tiên đã đạt được những bước tiến đáng kể sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên hồi tháng 10/2006.

Bình Nhưỡng có thể trao cho Tehran những bài học kinh nghiệm hoặc chuyển giao những công nghệ đặc biệt để giúp Iran đạt được những nỗ lực trong chương trình vũ khí hạt nhân.

Chắc chắn, những nguồn lực được “hồi sinh” cho Iran nhờ những biện pháp nới lỏng trừng phạt, bãi bỏ trừng phạt và những nguồn đầu tư nước ngoài mới đổ về nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể cho phép Tehran cấp vốn cho những hoạt động hợp tác nói trên với chế độ Bình Nhưỡng, nhất là khi Triều Tiên sẵn lòng bán vũ khí và công nghệ tên lửa cho bên trả giá cao nhất.

Ít nhất, Bình Nhưỡng có thể cung cấp công nghệ, kỹ năng và thông tin giúp Tehran rút ngắn thời gian chế tạo vũ khí hạt nhân.

Việc chuyển giao kỹ năng này có thể diễn ra ở Triều Tiên hoặc ở Iran nếu Tehran không cho phép các nhà khoa học của họ làm việc ở bên ngoài các cơ sở hạt nhân của mình. Tất cả những hoạt động như vậy sẽ khó có thể bị phát hiện và ngăn chặn.

Tiến trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên đã chứng minh rằng các thỏa thuận hạt nhân có giới hạn đã tạo dư địa (thời gian và không gian) để nước phổ biến vũ khí hạt nhân tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Joe Biden không được “đi vào vết xe đổ” của những người tiền nhiệm, mà cần kiên quyết đạt được một thỏa thuận lâu dài và mạnh mẽ hơn nhằm đánh sập hoàn toàn những hoạt động giúp Iran tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục