Ban quản lý dự án giao thông đứng trước áp lực phải gấp rút… tiêu tiền

Bộ Giao thông Vận tải kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Nhà thầu Lizen tham gia thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu Lizen tham gia thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án của ngành Giao thông Vận tải được giao số vốn giải ngân gấp nhiều lần các nă trước đây nên phải chạy đua với thời gian nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Chạy đua giải ngân nguồn vốn lớn

Với kế hoạch vốn đầu tư công được giao lớn nhất từ trước tới nay lên đến 94.161 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2021 và 1,7 lần năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm nay, Bộ Giao thông Vận tải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất nên sẽ tập trung dồn lực để đạt kết quả cao.

Cụ thể, các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 được giao 17.889 tỷ đồng (chiếm 19% kế hoạch vốn được giao); các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 được giao 45.266 tỷ đồng (chiếm 48%); các dự án ODA được giao 7.784 tỷ đồng (chiếm 8,3%); các dự án trọng điểm, cấp bách được giao 2.259 tỷ đồng (chiếm 2,4%); các dự án giao thông trong nước còn lại được giao 20.977 (chiếm 22,3%).

Nhấn mạnh tất cả phải bắt tay vào việc ngay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã liên tục chỉ thị, yêu cầu các đơn vị được giao vốn đầu tư công, phải quyết tâm, tập trung tổ chức thực hiện. Các dự án đang triển khai thì tập trung thi công, quyết toán, nghiệm thu. Dự án chuẩn bị đầu tư thì phải tập trung để hoàn thiện các thủ tục theo quy định để khởi công.

Để hiện thức hóa mục tiêu này, Bộ trưởng Thắng gợi ý các giải pháp thúc giải ngân vốn đó là công tác giải phóng mặt bằng phải càng nhanh càng tốt; việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất có thể, các dự án phải thực hiện theo phương châm triển khai song song nhiều đầu việc.

[Bộ GTVT đặt mục tiêu giải ngân hơn 94.100 tỷ đồng trong năm 2023]

Năm 2023, Ban quản lý dự án 7 được giao vốn kế hoạch vốn lên tới 12.531 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022, đây là con số “khổng lồ” nên nếu tháng nào không đạt được thì gây áp lực bù vào những tháng tiếp theo.

Đứng trước khối lượng giải ngân lớn trong bối cảnh các dự án mới khởi công, Ban quản lý dự án 7 đang yêu cầu các nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, vật tư, cấu kiện đến công trường, tập trung công tác chuẩn bị, đào đắp đất hữu cơ, khoan cọc khoan nhồi thi công các cầu trên tuyến tại dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 là Chí Thạnh-Vân Phong (vốn giải ngân là 3.283 tỷ đồng) và Vân Phong-Nha Trang (số vốn giải ngân lên tới 3.593 tỷ đồng)…

Với nguồn vốn được giao trong năm nay gấp gần 2,1 lần so với năm 2022, đại diện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin, tổng số vốn đơn vị được giao là 10.587 tỷ đồng, trong đó tập trung lớn nhất ở 3 dự án cao tốc gồm Mỹ Thuận-Cần Thơ (900 tỷ đồng), Cần Thơ-Hậu Giang (2.802 tỷ đồng) và Hậu Giang-Cà Mau (4.337 tỷ đồng).

Nhằm đạt tỷ lệ giải ngân cam kết với Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đặt ra mục tiêu lũy kế giải ngân từ đầu năm đến hết tháng Hai này của đơn vị sẽ là 2.357 tỷ (đạt 22,26% kế hoạch vốn năm 2023).

Mấu chốt vẫn là phải có khối lượng, tiến độ

Khẳng định mấu chốt để đẩy nhanh được tiến độ giải ngân là phải có khối lượng, ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Ban quản lý dự án Thăng Long) đưa ra kinh nghiệm giải pháp đột phá là đơn giản hóa khâu nghiệm thu, thanh toán.

Theo cách làm của Ban quản lý dự án Thăng Long, hồ sơ thanh toán từ hiện trường gửi về Ban sẽ thực hiện nghiệm thu nhanh chóng nhằm rút ngắn thời gian, xoay vòng dòng tiền cho nhà thầu một cách nhanh nhất.

[Bộ trưởng GTVT: Không để tái diễn nhà thầu chậm, vi phạm tiến độ]

“Năm nay ngành giao thông không thiếu tiền, chủ đầu tư/Ban quản lý dự án đẩy nhanh bao nhiêu sẽ được bố trí đủ số tiền bằng đó. Do đó, Ban luôn chỉ đạo các nhà thầu tập trung tăng mũi thi công, vị trí nào có công địa thuận lợi có thể thi công cuốn chiếu ngay các hạng mục thay vì chờ đợi thi công tuần tự để tăng giá trị giải ngân được nhiều nhất. Muốn như vậy, nhà thầu phải sẵn sàng kế hoạch, con người, thiết bị đầy đủ,” lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long chia sẻ.

Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án; có tư duy mới, cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công…

Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Vụ Kế hoạch Đầu tư chủ động đề xuất các giải pháp xử lý điều hành kế hoạch, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; chấn chỉnh kịp thời các đơn vị có biểu hiện gây khó khăn, chậm trễ trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Một trường hợp vi phạm lỗi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông bị lực lượng cán bộ, chiến sỹ đội CSGT số 7 dừng xe, kiểm tra và xử lý. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nghị định 168 - Chỉ bàn tiến, không bàn lùi!

Tính từ ngày 1/1 (thời điểm Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực) đến ngày 15/1/2025, số vụ tai nạn giao thông giảm cả về 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề.