Bàn về khả năng 'dàn xếp 5 nước' để đối trọng với Nhóm Bộ Tứ

Ngày càng có nhiều bài bình luận về một dàn xếp an ninh khu vực tiềm năng bao gồm Trung Quốc, Nga, Pakistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để đối trọng với Nhóm Bộ Tứ, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Australia.
Bàn về khả năng 'dàn xếp 5 nước' để đối trọng với Nhóm Bộ Tứ ảnh 1Nhóm Bộ Tứ bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Australia. (Nguồn: Getty Images)

Theo trang mạng orfonline.org (Ấn Độ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 28/7 đã nhấn mạnh rằng Nhóm Bộ Tứ không phải là một liên minh quân sự mà là một thỏa thuận nhằm thúc đẩy hợp tác và an ninh khu vực, đồng thời duy trì các quy tắc và giá trị quốc tế.

Cùng quan điểm đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, nói thêm rằng các quốc gia trong Nhóm Bộ Tứ không nên có ý tưởng cho rằng “các quốc gia khác đang tìm cách chống lại họ."

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, Trung Quốc vẫn tiếp tục phản ứng tiêu cực và thiếu an toàn đối với Nhóm Bộ Tứ. Điều thú vị là một số quốc gia dường như cũng chia sẻ quan điểm này ở các mức độ khác nhau.

Khi Nhóm Bộ Tứ tiếp tục củng cố vai trò của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn nữa, đã có những cuộc thảo luận về dàn xếp 5 nước đầy thú vị.

Kể từ khi một đặc phái viên của Iran tại Pakistan đưa ra đề xuất này vào năm ngoái, ngày càng có nhiều bài bình luận về một dàn xếp an ninh khu vực tiềm năng bao gồm Trung Quốc, Nga, Pakistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn nữa, cũng có thể suy đoán rằng một nhóm như vậy có thể nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Nhóm Bộ Tứ. Tuy nhiên, hiệu quả của một nhóm như vậy có thể vẫn còn là điều phải bàn.

Thực tế là một sự sắp xếp giữa các quốc gia không có chung các giá trị và được kết hợp bởi sự bất tin sẽ không thể đạt được một mức độ gắn kết đáng kể. Hơn nữa, thỏa thuận cụ thể này chỉ đơn thuần được xác định bởi các quốc gia chia sẻ một cách lỏng lẻo các mục tiêu chiến lược được xác định ở mức độ hẹp.

Với những yếu tố này, việc một thỏa thuận như vậy để chống lại ảnh hưởng của Nhóm Bộ Tứ có thể không diễn ra theo đúng kế hoạch.

Hội tụ khu vực

Điều gắn kết cả 5 quốc gia này lại với nhau là mức độ bất bình khác nhau của họ và các lợi ích chiến lược chống lại ít nhất một thành viên của Nhóm Bộ Tứ. Trung Quốc và Nga đã phản đối thỏa thuận 4 bên do lo ngại bị kiềm chế và cô lập. Cả hai quốc gia này thường xuyên hợp tác với nhau nhằm cân bằng với Nhóm Bộ Tứ.

Để phản ứng lại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Nhóm Bộ Tứ trong năm nay, Trung Quốc đã đả kích bằng cách tuyên bố rằng “việc tham gia một nhóm nhỏ khép kín và độc quyền chắc chắn sẽ phá hủy trật tự quốc tế."

Mặt khác, Nga cũng đưa ra những nhận xét tương tự khi cho rằng các nước phương Tây đang tham gia vào “trò chơi chống Trung Quốc” bằng cách thúc đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và “cái gọi là Nhóm Bộ Tứ."

Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt nặng nề do phương Tây áp đặt đối với Nga do tình hình ở Ukraine năm 2014 đã khiến nước này rơi vào “vòng tay” của Trung Quốc như một giải pháp kinh tế thay thế.

Mối quan hệ của Iran với Mỹ tiếp tục có xu hướng xấu đi, đặc biệt là khi nước này đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt nặng nề do chính quyền ông Trump áp đặt.

Hơn nữa, trong thời kỳ hỗn loạn này, Trung Quốc đã thể hiện mình là một đối tác quan trọng bằng cách bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và nhập khẩu dầu từ Iran.

Tháng Ba vừa qua, hai nước đã ký kết một hiệp ước chiến lược lớn trị giá 400 tỷ USD để mua dầu của Iran, thúc đẩy đầu tư và tăng cường hợp tác quân sự. Cùng với Trung Quốc, Nga cũng củng cố vị thế của mình là đối tác an ninh quan trọng của Iran.

Mặc dù là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sự không hài lòng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ xuất phát từ việc chính quyền Trump quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA) vì nhập khẩu tên lửa S-400 của Nga vào năm ngoái.

Ngoài ra, việc Ấn Độ muốn ngăn chặn quá trình quốc tế hóa và can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào các vấn đề nội bộ của nước này có lợi cho Pakistan cũng đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào nhóm chống Bộ Tứ.

Mặt khác, Pakistan chắc chắn sẽ ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào đi ngược lại hoặc thách thức ảnh hưởng của Ấn Độ.

[Nhóm Bộ tứ có mang lại đòn bẩy cho Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc?]

Theo cựu Đại sứ Ấn Độ, ông Vishnu Prakash, “Islamabad rất vui khi được tham gia vào bất kỳ nhóm nào chống lại lợi ích của Ấn Độ."

Trung Quốc là trụ cột cơ bản trong nỗ lực của Pakistan nhằm cân bằng với Ấn Độ. Hơn nữa, Pakistan tiếp tục ủng hộ tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc nắm giữ vai trò lãnh đạo của thế giới Hồi giáo do nước này là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất của Pakistan trong vấn đề Kashmir. Ngoài ra, Pakistan cũng đang cố gắng tăng cường mối quan hệ chiến lược với cả Nga và Iran, trong khi tận dụng lợi thế của việc quan hệ Ấn-Mỹ ấm lên.

Chừng đó đã đủ chưa?

Tuy nhiên, những động lực này không đủ để tạo nên một dàn xếp an ninh khu vực vững chắc, chưa nói đến một liên minh cân bằng đáng gờm chống lại Nhóm Bộ Tứ. Mặc dù có những mục tiêu nhất định đẩy họ lại với nhau, nhưng cả 5 quốc gia này đều không chia sẻ những giá trị và nguyên tắc chung để củng cố cho sự sắp xếp của họ. Với bản chất độc đoán và thần quyền, các quốc gia này không có đủ chỗ cho sự linh hoạt trong dài hạn. Hơn nữa, mỗi quốc gia đều có tình trạng khó tin tưởng lẫn nhau.

Trung Quốc và Nga có thể là những đối tác chiến lược quan trọng trong việc tìm kiếm các mục tiêu chiến lược nhất định; tuy nhiên, xem xét kỹ hơn cho thấy rằng sự can dự của Bắc Kinh với Nga là có chọn lọc đáng kể và dựa trên lợi ích cá nhân của họ. Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện sự không sẵn sàng hỗ trợ Nga, bao gồm cả việc từ chối ủng hộ Moskva trong vấn đề Crimea và Ukraine.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang gia tăng ảnh hưởng chiến lược của mình ở các khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga như Trung Á. Với việc Trung Quốc lấn át các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ thông qua việc tăng cường bán vũ khí, các chương trình đào tạo và các tiền đồn quân sự mới, ảnh hưởng và lợi ích của Nga có thể bị suy giảm đáng kể về lâu dài.

Trong khi quan hệ kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang được cải thiện, điều tương tự không thể xảy ra đối với lĩnh vực chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chủ yếu ở hai phe đối lập trong một số vấn đề địa chính trị khu vực như xung đột Syria, tình hình Iraq và các cuộc giao tranh với Israel.

Hơn nữa, khi Thổ Nhĩ Kỳ cắt giảm mua dầu của Iran, họ đã gửi đi những tín hiệu trái chiều về khả năng tồn tại của mối quan hệ song phương của họ.

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga cũng không phải hoàn toàn tốt đẹp. Bất chấp những nỗ lực hâm nóng lại mối quan hệ, hai nước vẫn tồn tại những mối nghi ngờ nghiêm trọng. Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tăng cường ảnh hưởng của mình ở Nam Caucasus và Trung Á cùng với sự ủng hộ quân sự tích cực cho Ukraine tiếp tục gây cản trở mối quan hệ với Nga.

Mặt khác, Pakistan cũng gặp trở ngại đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách với Iran. Phụ thuộc phần lớn vào Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Pakistan gặp khó khăn trong việc tối đa hóa quan hệ đối tác với Iran trong nhiều vấn đề.

Thực tế là sự dàn xếp của 5 nước trong khu vực khó có thể trở thành một đối trọng đáng gờm đối với Nhóm Bộ Tứ, chưa nói đến một nhóm mạnh mẽ và thống nhất, do một số vấn đề về sự thiếu tin tưởng lẫn nhau và các mục tiêu chiến lược hẹp hòi.

Trong khi Nhóm Bộ Tứ tập trung vào sự ổn định tổng thể, phát triển minh bạch và trật tự của tất cả các quốc gia khu vực thì thỏa thuận này có thể bị cuốn vào tham vọng cá nhân, do đó có thể ảnh hưởng đến mục tiêu cung cấp bất kỳ lợi ích tích cực đáng kể nào cho phần còn lại của thế giới. Điều này sẽ không chỉ giới hạn phạm vi của nó mà còn có khả năng đe dọa đến sự cân bằng hòa bình về tổng thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục