Báo động tốc độ tan chảy sông băng ở Nam Mỹ

Sông băng 18.000 năm tuổi ở Bolivia đã biến mất hoàn toàn vào tháng 8/2009 mặc dù các nhà khoa học dự báo nó sẽ tồn tại đến năm 2015.
Ngày 8/9, Cơ quan liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc cảnh báo tương lai ảm đạm của các dòng sông băng ở Nam Mỹ trước tác động của sự nóng lên của Trái Đất.

Trong nghiên cứu, IPCC cho biết các dòng sông băng khổng lồ từ Ecuador qua Chile, Bolivia đến Argentina đang tan chảy nhanh với tốc độ đáng báo động.

Sông băng 18.000 năm tuổi ở Bolivia đã biến mất hoàn toàn vào tháng 8/2009, làm mất đi khu trượt tuyết nổi tiếng cao 5.300 mét so với mực nước biển ở nước này mặc dù các nhà khoa học dự báo nó sẽ tồn tại đến năm 2015.

Sự tồn tại của các sông băng ở Ecuador, Peru, Bolivia nay cũng chỉ còn tính theo ngày trong khi các sông băng ở Argentina, Chile cũng đang thu nhỏ lại nhanh và có nguy cơ biến mất hoàn toàn trong vòng 60 năm nữa với tốc độ tan chảy như hiện nay.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2008 cho biết 70% dòng sông băng ở khu vực nhiệt đới của thế giới là ở dãy núi Andes chạy qua các nước Ecuador, Peru và Bolivia

Theo IPCC, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,74 độ C trong 100 năm qua, 12 năm gần đây là những năm nóng nhất kể từ năm 1850.

Hậu quả là Trái Đất đang mất đi nhanh chóng lớp băng được coi là vĩnh cửu ở 2 cực cũng như ở các phần khác của Trái Đất, làm tăng bức xạ nhiệt từ Mặt Trời, đẩy nhanh quá trình nóng lên của Trái Đất.

Nước biển dâng cao đang làm mất đi các cơ sở hạ tầng ven biển, làm "bốc hơi" các nguồn dự trữ nước ngọt rất cần thiết cho đời sống con người và gây ra nạn di cư ồ ạt và tị nạn khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục