Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tập trung 8 nhóm giải pháp trọng tâm trong 2024

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đóng góp nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Ngày 17/1, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế năm 2024.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, dự báo trong năm 2024 nền kinh tế-xã hội sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, với phương châm hành động của toàn ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần tập trung triển khai 8 nhóm giải pháp trọng tâm.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đóng góp nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đây là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội năm 2023, góp phần đổi mới cách tiếp cận chính sách xã hội, gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội…

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần tập trung triển khai 8 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các mục tiêu, kế hoạch trong Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 38/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai trong toàn Ngành; Nắm bắt, đánh giá các vướng mắc trong thực tiễn triển khai, từ đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp.

Để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông; Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất.

pho-thu-tuong-le-minh-khai-3694.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Phó Thủ tướng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của Ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả; Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và đẩy nhanh chuyển đổi số…

Đặc biệt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý cơ chế tài chính các quỹ đảm bảo đúng quy định an toàn, bền vững và hiệu quả; Tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ đạo, trong quá trình triển khai thực hiện, các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tổng hợp, nghiên cứu, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để giải quyết theo đúng thẩm quyền nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiều chỉ tiêu

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho hay năm 2023 dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, toàn Ngành đã đặt quyết tâm cao, nỗ lực vượt khó, triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp như: Tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp; huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương; quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện ở tất cả các mặt công tác… hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu trọng yếu trên lĩnh vực an sinh xã hội.

tgd-bhxh-viet-nam-nguyen-the-manh-7154.jpg
Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một số kết quả nổi bật như diện bao phủ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế tiếp tục tăng, đặc biệt tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm Y tế phát triển bền vững.

Cả nước có khoảng 18 triệu người tham gia Bảo hiểm Xã hội, đạt 39% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó khoảng 1,8 triệu người tham gia Bảo hiểm Xã hội tự nguyện đạt 3,9% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 1,42% mục tiêu đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương); 14,7 triệu người tham gia Bảo hiểm Thất nghiệp đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đặc biệt, có trên 93,3 triệu người tham gia Bảo hiểm Y tế , đạt tỷ lệ 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ) và là chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu Bảo hiểm Y tế toàn dân.

Công tác quản lý tài chính, quản lý quỹ được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách luôn đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng với chất lượng phục vụ ngày càng cao.

Năm 2023, toàn ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã giải quyết: gần 95,7 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm Xã hội hàng tháng; hơn 8,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; hơn 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế (tăng trên 23,4 triệu lượt khám chữa bệnh so với năm 2022); phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết hơn 1 triệu người hưởng các chế độ Bảo hiểm Thất nghiệp. Tổng số chi các Quỹ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp lên đến trên 439,27 nghìn tỷ đồng.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm sử dụng nguồn kinh phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế hiệu quả; giải quyết vướng mắc về cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế giai đoạn năm 2019 đến 2022; bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia Bảo hiểm Y tế. Đến nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kịp thời thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế vượt tổng mức thanh toán theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP cho các cơ sở y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.

bang-khen-418.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao tặng danh hiệu cho các cá nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với với các Bộ, Ngành liên quan xây dựng, làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm: đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để liên thông, chia sẻ, phục vụ quản lý của Ngành và cải cách thủ tục hành chính.

Ngành đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 22 nghìn đơn vị với tổng số tiền chậm đóng các đơn vị đã khắc phục là trên 2.023 tỷ đồng. Năm 2023, số tiền chậm đóng chỉ chiếm 2,69% số phải thu - đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016 là 6%). Những chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi số tiền chậm đóng đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách.

Tiếp nối truyền thống "Thương người như thể thương thân", những năm qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phát động “Chương trình tặng sổ Bảo hiểm Xã hội, thẻ Bảo hiểm Y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn” trên toàn quốc. Năm 2023 đã có 24.300 sổ Bảo hiểm Xã hội và 250.000 thẻ Bảo hiểm Y tế được trao tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục