Báo Hong Kong: 'Việt Nam là tâm điểm của toàn cầu'

Tạp chí Tuần san châu Á (Hongkong) số ra ngày 3/3 phản ánh đậm nét vai trò tích cực của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai.
Báo Hong Kong: 'Việt Nam là tâm điểm của toàn cầu' ảnh 1Tạp chí Tuần san châu Á đăng bài về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Mới đây, tạp chí Tuần san châu Á (Hongkong) số ra ngày 3/3 có đăng bài viết của tác giả Giang Tấn có tựa đề “Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội: Tìm kiếm đột phá về ngoại giao,” phản ánh đậm nét vai trò tích cực của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai cũng như trang mới trong quan hệ ngoại giao Việt Nam-Triều Tiên qua chuyến thăm chính thức Việt Nam của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Dưới đây là nội dung chính của bài viết:

Từ ngày 27-28/2, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp lịch sử tại Hà Nội, thảo luận về việc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ Mỹ-Triều Tiên.

Việt Nam trở thành địa điểm tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai, thủ đô Hà Nội trở thành địa điểm thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang được nâng cao.

Việt Nam trong một thời gian ngắn đã triển khai thuận lợi các mặt ngoại giao, hậu cần và an ninh. “Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim” đã đem lại cho Việt Nam cơ hội nâng cao hình ảnh quốc tế.

Từ gió lạnh phương Bắc đến khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, chuyến tàu của Bình Nhưỡng phải di chuyển quãng đường 4.500km, hết 60 giờ đồng hồ, chỉ tính quãng đường trên lãnh thổ Trung Quốc hết hơn 40 giờ, đoàn tàu bọc thép màu xanh của Kim Jong-un cuối cùng cũng đến Việt Nam.

Ngày 25/2, đoàn tàu của Triều Tiên đi qua Vũ Hán, Trường Sa, Liễu Châu, Nam Ninh đến Bằng Tường (tiếp giáp Lạng Sơn của Việt Nam) vào ga Đồng Đăng của Việt Nam, Chủ tịch Kim Jong-un sau khi xuống tàu đã lên ôtô di chuyển về Hà Nội với quãng đường dài 170km.

Tổng thống Donald Trump đáp chuyên cơ từ căn cứ không quân Andrews ở Maryland, 20 giờ 30 ngày 26/2, chuyên cơ của ông đến sân bay Nội Bài.

Ngày 27/2, Tổng thống Trump hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngày 28/2, Tổng thống Trump lên chuyên cơ về nước; còn Chủ tịch Kim Jong-un tiếp tục chuyến thăm chính thức Việt Nam và về nước vào ngày 2/3.

Tổng thống Mỹ bay nửa vòng trái đất, còn Chủ tịch Triều Tiên đi đường bộ từ Bắc xuống Nam xuyên qua lục địa châu Á, điều này không chỉ mang khái niệm liên thông về mặt địa lí, mà còn có ý nghĩa xuyên suốt về mặt lịch sử.

Triều Tiên tìm kiếm sự nới lỏng cấm vận của Mỹ

Triều Tiên hơn một năm nay không tiến hành thử nghiệm hạt nhân và phóng thử tên lửa.

Tổng thống Trump thúc giục Triều Tiên thực hiện bước đầu tiên trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, dư luận quốc tế mong đợi hai bên sẽ kết thúc hội nghị bằng “Tuyên bố chung Hà Nội.” Một khi Mỹ áp dụng các biện pháp tương ứng; phía Triều Tiên sẽ theo đuổi các biện pháp về lâu dài xóa bỏ các lò phản ứng hạt nhân.

Hai bên tiến hành các giải pháp như đông kết và thanh sát các cơ sở hạt nhân, phá hủy các lò phản ứng hạt nhân, từ bỏ hoàn toàn con đường phát triển hạt nhân…, tuyên bố kết thúc chiến tranh, khởi động việc thảo luận liên quan đến cơ chế hòa bình, thiếp lập văn phòng liên lạc để tiến hành thảo luận, tìm kiếm sự nới lỏng cấm vận của Mỹ được coi là những gì Triều Tiên đang coi trọng.

Các hạng mục hợp tác liên Triều như du lịch núi Kim Cương, khu công nghiệp mở,… có được nới lỏng hay không cũng là tiêu điểm được chú ý. Giới phân tích suy đoán tuyên bố chung mà hai bên có thể đưa ra lần này sẽ đề cập đến việc “Hai nước Mỹ-Triều Tiên cùng xác nhận lại ý chí phi hạt nhân hóa đã được nêu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore,” “Triều Tiên lập tức xóa bỏ các lò phản ứng hạt nhân, kết thúc việc bắn thử tên lửa và dừng thử nghiệm hạt nhân,” “Mỹ áp dụng các biện pháp tương ứng như tiến hành kiểm tra, kiểm nghiệm và dỡ bỏ thiết bị, tiến hành các phương án khả thi như tái khởi động khu du lịch núi Kim Cương,” “Hai bên quyết định xây dựng thể chế hiệp thương, sớm thực hiện các biện pháp thỏa thuận trong lần này.”

Triều Tiên từ trước đến nay luôn yêu cầu Mỹ ký kết tuyên bố chấm dứt chiến tranh, kết thúc quan hệ đối địch. Điều mà Triều Tiên muốn đó là Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận, trao đổi các điều kiện, từ đó Triều Tiên sẽ đưa ra các nhượng bộ của mình về vấn đề hạt nhân.

Trước khi diễn ra cuộc gặp Trump-Kim lần hai, chuyên gia Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc Dương Hi Vũ dự đoán cuộc gặp ở Hà Nội mang một dấu hiệu tích cực về một “cuộc đàm phán mang tính thực chất” giữa Mỹ và Triều Tiên; trong khi đó, Giáo sư Trường Đảng Trung ương Trung Quốc Trương Liễn Quế cũng cho rằng cuộc gặp tại Hà Nội có thể sẽ xây dựng nên một “trật tự có tính chỉ tiêu, có thể thao tác” về vấn đề phi hạt nhân hóa, thậm chí là một “thời gian biểu và lộ trình.”

Báo Hong Kong: 'Việt Nam là tâm điểm của toàn cầu' ảnh 2Tạp chí Tuần san châu Á đăng bài về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Việt Nam hưởng lợi khi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên

Mật độ các cuộc hội thoại lần này giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un vượt xa cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore với các cuộc gặp kéo dài 5 tiếng bao gồm cuộc gặp 1-1 và cuộc gặp mở rộng chỉ trong một ngày.

Hội nghị lần này tại Việt Nam bao gồm 5 lần cuộc gặp: cuộc gặp và yến tiệc tối ngày 27/2, cuộc gặp chính thức ngày 28/2, hội đàm cấp nguyên thủ và hội đàm nguyên thủ mở rộng bao gồm đoàn tùy tùng và nhóm tham gia Hội nghị.

Lãnh đạo hai nước nêu rõ Hội nghị tại Hà Nội cần một thỏa thuận cụ thể hơn so với Hội nghị tại Singapore.

Sau khi Hội nghị kết thúc, hai nhà lãnh đạo không đạt được những thỏa thuận cụ thể như kỳ vọng của giới chuyên gia các nước, kéo theo suy đoán đối thoại phi hạt nhân hóa Triều Tiên-Mỹ vẫn tồn tại rất nhiều nhân tố khó đoán định.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, việc được chọn đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai đã nâng cao đáng kể vị thế của chính quyền Hà Nội.

Thực tế, với Việt Nam, việc đăng cai tổ chức một kỳ thượng đỉnh với tầm vóc quan trọng như cuộc gặp vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được xem là một cơn địa chấn ngoại giao.

[Thượng đỉnh Mỹ-Triều không thỏa thuận: Chuyện nhỏ]

Nhiều chuyên gia, học giả quốc tế đánh giá, Việt Nam được lợi rất nhiều khi là tâm điểm quan tâm của toàn cầu trong canh bạc ngoại giao Trump-Kim và điều này vẫn không thay đổi mặc dù không có thỏa thuận nào được ký kết sau Hội nghị thượng đỉnh.

Bên cạnh việc tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Kim Jong-un đến Việt Nam cũng là cơ hội để củng cố quan hệ Việt Nam-Triều Tiên.

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 55 năm kể từ ngày Chủ tịch Kim Nhật Thành thăm Việt Nam vào năm 1964.

Tháng 1/1950, hai nước Việt Nam và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau 69 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã đến thăm Việt Nam hai lần vào các năm 1958 và 1964. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã có hai lần đến thăm Triều Tiên: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Triều Tiên vào tháng 7/1957, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh thăm chính thức Triều Tiên vào tháng 10/2007.

Báo Hong Kong: 'Việt Nam là tâm điểm của toàn cầu' ảnh 3Tạp chí Tuần san châu Á đăng bài về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Triều Tiên phác họa nên một bức tranh kinh tế

Cho dù là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hay chuyến thăm chính thức Việt Nam, báo giới nước ngoài đều cho rằng đây là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển trong tương lai của Triều Tiên.

Tháp tùng đoàn của Chủ tịch Kim Jong-un có các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên trong đó có em gái của ông là bà Kim Yo-jong và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol.

Ngoài các quan chức ngoại giao và quân sự, phái đoàn Triều Tiên lần này còn có các quan chức kinh tế. Điều này cho thấy Chủ tịch Kim Jong-un đang hy vọng phác họa nên một bức tranh kinh tế cho đất nước mình.

Cùng với việc chuyển công tác trọng tâm của Chính phủ từ “Chính trị tiên quân” đến “Phát triển kinh tế,” Triều Tiên càng ngày càng coi trọng quan hệ ngoại giao với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc Vương Tuấn Sinh cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thể hiện được tín hiệu phát triển đối ngoại theo mô hình mở cửa của Triều Tiên.

Trước đó vào tháng 4/2018, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VII đã quyết định “Phải tập trung toàn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa và nâng cao đời sống của nhân dân.”

Chủ tịch Kim Jong-un đến Việt Nam bằng tàu hỏa và phải trải qua quãng đường dài mới đến ga Đồng Đăng. Nước chủ nhà Việt Nam tổ chức đón, tiếp Chủ tịch Kim Jong-un rất trọng thị, cũng như rất thành công trong vai trò nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên.

Trong một năm tới, quan hệ Mỹ-Triều sẽ có những biến động, cả thế giới đều dõi theo, nhưng hiện tại có thể nói “Một khởi đầu tốt là một nửa của thành công”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục