Bạo lực ở Nam Sudan “tồi tệ hơn” so với thời nội chiến

Người dân Nam Sudan đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết, với các hành động tàn bạo như hãm hiếp tập thể, di cư cưỡng bức và bắt cóc.
Bạo lực ở Nam Sudan “tồi tệ hơn” so với thời nội chiến ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: mbs.news)

Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) tại Nam Sudan ngày 19/2 công bố báo cáo cho thấy quy mô bạo lực ở Nam Sudan “tồi tệ hơn rất nhiều” so với cuộc nội chiến kéo dài 5 năm ở đất nước này, đồng thời cáo buộc các quan chức cấp cao ở quốc gia Đông Phi này hậu thuẫn các nhóm vũ trang mà có thời điểm lên tới hàng vạn tay súng.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn báo cáo trên cảnh báo người dân Nam Sudan đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết, với các hành động tàn bạo như hãm hiếp tập thể, di cư cưỡng bức và bắt cóc.

Cuộc nội chiến ở Nam Sudan kết thúc vào năm 2018, ước tính có gần 400.000 người thiệt mạng và hàng triệu người vẫn đang phải vật lộn để sống sót.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc tại Nam Sudan, bà Yasmin Sooka cho biết bạo lực ở nước này hiện đã được bản địa hóa và khác với cuộc nội chiến ở chỗ một số chiến binh không mặc đồng phục, trong khi các lãnh đạo cộng đồng, dân quân và các chức sắc tôn giáo đều tham gia.

[Liên hợp quốc bắt đầu rút lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan]

Các cuộc tấn công nhằm vào dân thường được thực hiện theo khuynh hướng sắc tộc và thường được “nhà nước vũ trang và các lực lượng đối lập hậu thuẫn.”

Báo cáo cho biết hàng trăm người đã thiệt mạng trong khoảng thời gian từ tháng 2-11/2020.

Bà Sooka nhấn mạnh “khi bạn nhìn vào số lượng người bị giết, phải rời bỏ nhà cửa và trên thực tế là quy mô của tình trạng phụ nữ bị bạo lực tình dục thì chắc chắn những con số chúng ta thấy còn tồi tệ hơn những gì chúng ta đã chứng kiến trong năm 2013 hoặc bất kỳ giai đoạn nào sau đó ở Nam Sudan.”

Báo cáo trên được công bố sau một năm chính phủ thống nhất được thành lập ở Nam Sudan, với việc thủ lĩnh phiến quân đối lập Riek Machar trở thành cấp phó cho Tổng thống Salva Kiir.

Tuy nhiên, hơn 2 năm sau khi hiệp định hòa bình được ký kết để chấm dứt cuộc nội chiến, việc thực thi thêm các điều khoản đã tiến hành rất chậm chạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục