Những ngày này, nhân viên y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đang phải gồng gánh khối lượng công việc quá lớn và cường độ làm việc "chưa từng có" nhưng họ vẫn chưa nhận được quan tâm đúng mức về đời sống sinh hoạt cũng như điều kiện làm việc.
Hơn lúc nào hết, cần có nhiều chính sách bảo vệ và đãi ngộ xứng đáng bởi chính họ đang ngày đêm ra sức bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân giữa đại dịch.
Chịu nhiều "thiệt thòi"
Là trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã rất sâu sát với tình hình thực tế tại đây. Từ thực tế "nhìn thấy và nghe thấy," mới đây, ông đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện mỗi ngày các bác sỹ, điều dưỡng tại Thành phố phải chăm sóc và quản lý từ 140-150 người bệnh. Số lượng người bệnh quá lớn khiến chất lượng điều trị và chăm sóc bị giảm sút.
Mỗi tua làm việc của họ thường kéo dài từ 8-10 tiếng/ngày, thường xuyên phải trực cấp cứu 12 giờ/ngày trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải.
Do các bệnh viện không bố trí được thời gian nghỉ ra trực cho nhân viên y tế nên sau khi kết thúc công việc chuyên môn, nhân viên y tế tiếp tục phải làm hồ sơ hành chính liên tục (có ngày lên đến 12 giờ). Một số bệnh viện sau khi rút nhân lực không bù đủ nhân lực đã rút khiến tăng thêm áp lực cho các nhân viên còn lại.
Về đời sống, hàng ngày nhân viên y tế được phát cơm hộp với suất ăn 120.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, các suất cơm cung cấp vẫn chưa đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt, với các nhân viên y tế chi viện từ phía Bắc, thức ăn không hợp khẩu vị dẫn đến khó ăn, không đảm bảo sức khỏe.
[Bảo vệ đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu: Muôn vàn áp lực, khó khăn]
Mặc dù vậy, khi nhân viên y tế bị mắc bệnh trong quá trình công tác, họ được điều chuyển lên khu người bệnh và suất ăn lúc này cũng chuyển sang tiêu chuẩn của suất ăn người bệnh (80.000 đồng/ngày).
Ngoài ra, lực lượng an ninh, quân sự thường xuyên kiểm tra nghiêm khắc với lực lượng y tế mỗi khi ra ngoài mua thêm đồ ăn, thức uống bổ sung... Những điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm lý của nhân viên y tế ở tuyến đầu.
Dù chưa phản ánh đầy đủ những khó khăn, bất cập mà nhân viên y tế ở tuyến đầu đang gặp phải nhưng những nội dung Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra nhận được sự đồng tình của nhiều người.
Bác sỹ T.H.T (đang công tác tại một khu cách ly F0 ở thành phố Thủ Đức) cho hay: "Sự thiếu quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo ngành Y tế khiến chúng tôi rất hụt hẫng. Để bảo vệ chính mình, bảo vệ đồng đội, chúng tôi đã phải đi xin các mạnh thường quân từ bữa cơm đến cái khẩu trang, đồ bảo hộ và thiết bị y tế."
Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ: "Trong thời gian qua, đội ngũ nhân viên y tế đã rất cố gắng, nỗ lực để điều trị cho người bệnh và rất vui khi không ai từ bỏ nhiệm vụ. Là lãnh đạo bệnh viện, tôi thường xuyên động viên tinh thần anh em và cố gắng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để anh em yên tâm làm nhiệm vụ."
Còn Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay, dù nguồn thu của bệnh viện đã giảm đến 90% nhưng lãnh đạo bệnh viện vẫn cố gắng đảm bảo chi trả lương và một phần trợ cấp cho nhân viên y tế. Để cùng nhau vượt qua đại dịch, bệnh viện đã lập một khoản quỹ riêng, kêu gọi sự chung tay góp sức của mọi người trong bệnh viện để hỗ trợ những nhân viên y tế khó khăn.
Theo nhiều bác sỹ, nhân viên y tế ở tuyến đầu hiện nay, câu chuyện thiếu thốn, khó khăn chung trong "cuộc chiến" với đại dịch COVID-19 hiện nay của nước, ai cũng thấu hiểu. Tuy nhiên, điều các đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu nói riêng, các lực lượng khác trực tiếp tham gia hoạt động chống dịch cũng mong lãnh đạo thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các y bác sỹ, nhân viên y tế và có những chính sách phù hợp để họ yên tâm dồn sức điều trị bệnh nhân.
Chính sách chăm lo kịp thời, xứng đáng
Theo số liệu của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay ngành Y tế đã huy động 20.000 cán bộ, nhân viên tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã huy động nhân lực hỗ trợ cho Thành phố gần 6.700 người phục vụ tại các bệnh viện điều trị, lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine. Có thể nói đây là đợt huy động lớn nhất của ngành Y tế từ trước đến nay.
Để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các đơn vị đã rút nhân sự khỏi các bệnh viện phải lập tức bổ sung nhân lực thay thế đầy đủ, đảm bảo quân số, tránh tạo áp lực công việc lên các nhân viên y tế còn lại.
Các bệnh viện cũng phải đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho các nhân viên y tế, không để nhân viên làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ. Hạn chế sử dụng nhân viên y tế vào vị trí hành chính nhằm đảm bảo công tác chuyên môn. Trong tình hình thiếu nhân lực hành chính, đề nghị bổ sung lực lượng sinh viên, tình nguyện viên vào các vị trí hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền. Đối với các trường hợp nhân viên y tế không may mắc COVID-19 cần được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày, không áp dụng chế độ của người bệnh dành cho nhân viên y tế.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng yêu cầu lực lượng an ninh, quân sự chỉ kiểm soát việc ra vào trong điều trị đối với nhân viên y tế, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, gây áp lực lên đời sống tinh thần của nhân viên y tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân.
Ngay sau đó, Bộ Y tế đã có tờ trình gửi Chính phủ về chế độ trợ cấp trong phòng chống dịch; trong đó đề nghị nâng mức trợ cấp chống dịch cho nhân viên y tế lên gấp đôi so với hiện hành cho người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người mắc và nghi mắc COVID-19 lên 600.000 đồng/người/ngày.
Các nhóm nhân viên y tế tham gia vào công tác phòng, chống dịch cũng được tăng mức hỗ trợ so với trước đây, lên 300-400.000 đồng/người/ngày.
Cùng với đó, Công đoàn y tế Việt Nam cũng cho biết đã đề xuất các gói hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm cho y bác sỹ, hỗ trợ “gói dinh dưỡng” trị giá 1 triệu đồng/đợt cho nhân viên y tế phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, trên 1.200 y bác sỹ mắc COVID-19 đã được hỗ trợ mức 10 triệu đồng/người.
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/8 vừa qua, Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua 2 Nghị quyết quan trọng trong việc chi hỗ trợ lực lượng tuyến đầu cũng như chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức.
Trong số đó, mức chi hỗ trợ một lần cho lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp 10 triệu đồng; lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp 4,5 triệu đồng; tổ phòng, chống COVID cộng đồng 2 triệu đồng. Đối với lực lượng tình nguyện viên Thành phố huy động tham gia phòng, chống dịch được hỗ trợ từ 1,5 đến 3 triệu đồng.
Nhiều lần trực tiếp đến các bệnh viện thăm, động viên đội ngũ y bác sỹ ở tuyến đầu, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên không ít lần xúc động trước những sự hy sinh to lớn của các nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện. Đặc biệt, khi nghe những khó khăn mà đội ngũ tuyến đầu đang gặp phải về ăn uống sinh hoạt, thậm chí thiếu cả trang thiết bị y tế, ông rất xót xa.
"Lực lượng tuyến đầu chính là những người chiến sỹ dũng cảm đã ra trận với tinh thần không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, thậm chí có sự hy sinh. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần này lịch sử sẽ ghi nhận, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng ghi nhận và biết ơn các “chiến sỹ áo trắng” - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định./.