Bất đồng trong kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của EU

Quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch về cơ bản đã được các nhà lãnh đạo EU nhất trí từ cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào cuối tháng 4, tuy nhiên việc phân chia vẫn đang gây chia rẽ sâu sắc trong EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) ở Brussels (Bỉ) trong cuộc thảo luận trực tuyến với Thủ tướng Đức Angela Merkel (trên màn hình). (Ảnh: THX/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) ở Brussels (Bỉ) trong cuộc thảo luận trực tuyến với Thủ tướng Đức Angela Merkel (trên màn hình). (Ảnh: THX/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 19/6 đã đạt được sự đồng thuận về các quyết định liên quan tới kế hoạch ngân sách 2021-2027 và quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 cho các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, việc phân chia những khoản tiền này như thế nào vẫn là một điều gây chia rẽ sâu sắc giữa 27 nước thành viên của EU.

Tranh cãi xung quanh quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch

Quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch về cơ bản đã được các nhà lãnh đạo EU nhất trí từ cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào cuối tháng Tư, nhưng cho tới hội nghị tiếp theo ngày 19/6, vấn đề này mới chính thức được đưa ra bàn thảo chi tiết.

Theo kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC), Chủ tịch Ursula von der Leyen đã công bố đề xuất ngân sách 2021-2027 trị giá 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 trị giá 750 tỷ euro.

Trong số đó, 2/3 số tiền của quỹ (tương đương 500 tỷ euro) được sử dụng dưới hình thức một khoản trợ cấp tài chính cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch và 1/3 còn lại (250 tỷ euro) được dùng để cho vay với lãi suất thấp do EU đứng ra bảo lãnh, nhằm giúp các doanh nghiệp trong khối phục hồi kinh tế.

Về nguồn tài trợ cho kế hoạch, EC đề xuất vay tiền trên thị trường tài chính bởi EC với mức xếp hạng tín dụng AAA sẽ giúp việc vay nợ có lợi hơn. Việc trả nợ sẽ không bắt đầu trước năm 2028, còn thời gian đáo hạn toàn bộ là sau 30 năm.

Các tiêu chí được sử dụng để làm căn cứ phân bổ nguồn tiền trợ cấp sẽ được EC xác định dựa trên ba số liệu thống kê quốc gia quan trọng, bao gồm Dân số, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người và tỷ lệ thất nghiệp trung bình 5 năm trong giai đoạn 2015-2019.

Nếu dựa trên các tiêu chí này, Italy và Tây Ban Nha - hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19 - sẽ là “ứng cử viên” sáng giá nhất cho vị trí được nhận tài trợ.

Theo đó, Italy sẽ được tài trợ trực tiếp 81,8 tỷ euro trong ba năm tới, trong khi Tây Ban Nha sẽ nhận được 77,3 tỷ euro. Ngoài ra, Italy và Tây Ban Nha cũng sẽ được vay số tiền lần lượt là 90 tỷ euro và 31 tỷ euro.

Một số quốc gia khác, vốn kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh, có khả năng cao sẽ “lọt” vào danh sách nhận tài trợ nhờ phù hợp với các tiêu chí nói trên.

Mặc dù đề xuất của bà Ursula von der Leyen nhận được sự ủng hộ đặc biệt từ Đức và Pháp, hai quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong EU, nhưng hội nghị thượng đỉnh ngày 19/6 đã kết thúc mà không có được một sự thống nhất chung, do vấp phải sự phản đối từ bốn quốc gia gồm Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Áo - được gọi dưới cái tên là “Bộ Tứ tằn tiện” - và một vài quốc gia khác.

Bộ tứ này đã dứt khoát từ chối đề xuất của EC với lý do không đồng thuận cách thức lựa chọn tiêu chí phân chia, cũng như quy mô của quỹ. Các nhà lãnh đạo của bộ tứ cho rằng phân chia như vậy là quá “thiên vị” và EU đang “vung tay quá trán.”

Thời gian của hội nghị đã kéo dài hơn 4,5 giờ đồng hồ, trong đó tranh cãi liên tục nổ ra xoay quanh việc làm thế nào và khi nào thì tiền sẽ được trả lại.

Cách thức phân phối vốn đã hợp lý chưa? Phân chia các khoản tài trợ như thế nào, dựa trên tiêu chí gì và ai sẽ là người quyết định? Những doanh nghiệp hoặc lĩnh vực nào được coi là bị ảnh hưởng nặng nề nhất để nhận được các khoản vay?

Tại bài viết đăng tải trên trang mạng của Học viện chính sách đối ngoại Australia, nhà nghiên cứu Colin Chapman cho rằng các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ nhóm họp trở lại vào trung tuần tháng Bảy, với mục tiêu cố gắng giải quyết dứt điểm cuộc xung đột, mà một số nhà quan sát cho rằng có thể đe dọa đến tương lai của EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thẳng thắng thừa nhận: “Không có gì là quá mức khi nói rằng chúng ta đang đối mặt với thách thức kinh tế lớn nhất trong lịch sử của EU.”

Mặc dù vậy, không ai có thể chắc chắn rằng hội nghị sắp tới sẽ có thể đem tới kết quả “chung cuộc” làm hài lòng toàn bộ 27 thành viên EU.

Một EU đang ngày càng phân nhánh

Gặp gỡ các phóng viên tại The Hague sau hội nghị, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng cần có một đánh giá đối với tác động kinh tế và một sự thay đổi tiêu chí.

Ông lập luận rằng các số liệu thất nghiệp dài hạn không liên quan tới việc đo lường tác động từ đại dịch.

Ông nói: “Việc sử dụng tiêu chí thất nghiệp trong vòng 5 năm qua là không phù hợp. Chúng ta nên sử dụng số liệu từ cuộc khủng hoảng, chứ không phải là quá khứ.”

[Đức-Pháp thúc đẩy thỏa thuận về ngân sách và quỹ phục hồi kinh tế EU]

Các nhà lãnh đạo khác cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Thủ tướng Ireland Leo Varadkarg gợi ý thiệt hại kinh tế hiện tại và con số mất việc làm trong năm 2020 do đại dịch, cùng vụ việc Anh rời EU, nên là các tiêu chí chính cần được xem xét.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức nói bà không chắc chắn rằng mọi người hiểu đúng về mức độ nghiêm trọng của tình hình, đồng thời nhấn mạnh việc EU đang đối mặt với “thời điểm rất khó khăn” và rằng “những cây cầu mà chúng ta đang xây dựng là rất lớn.”

Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron nhận định thất bại trong việc giải quyết vướng mắc sẽ khiến những “tín hiệu sai lầm” trở nên nghiêm trọng hơn. Ông lên tiếng thúc giục các nhà lãnh đạo cần suy nghĩ lại và thỏa hiệp.

Theo tác giả Chapman, vướng mắc trong khối kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục là một lời nhắc nhở kéo dài về điểm yếu lớn nhất của EU- một thể chế hỗn tạp. Rõ ràng, đây không phải là liên bang của tập hợp 27 quốc gia theo như kỳ vọng một số nhà quan sát.

Về cơ bản, EU kiểm soát một số chính sách quan trọng chung cho toàn khối, như các vấn đề về đối ngoại, thương mại, nông nghiệp, thực phẩm và tiêu chuẩn môi trường.

EU cũng kiểm soát một phần chính sách tiền tệ cho những thành viên thuộc khối Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Tuy nhiên, điều quan trọng là thể chế này lại không nắm quyền kiểm soát chính sách tài khóa, dẫn đến việc các quốc gia thành viên sẽ áp dụng chính sách khác nhau về thuế, lợi tức, chi tiêu công và nhiều thứ khác.

Nguồn tài chính hỗ trợ lớn thứ hai của EU đến từ nước Anh. Tuy nhiên, quốc gia này đang hoàn tất quá trình tách rời khỏi EU, dự kiến kết thúc vào ngày 31/12, mang tới những quan ngại về việc thể chế khổng lồ này sẽ càng trở nên phân mảnh hơn trong tương lai.

Nỗ lực gỡ bỏ vướng mắc

Sau khi hội nghị thượng đỉnh thất bại, các nhà lãnh đạo châu Âu đã có nhiều hoạt động tương tác mạnh mẽ hơn để cố gắng tìm ra giải pháp nhằm thoát khỏi sự rạn nứt trong nội khối, dẫn đầu là Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp.

Tạp chí The Parliament đưa tin rằng sau hội nghị, hai nhà lãnh đạo đã có buổi họp báo chung nhấn mạnh việc cần phải có hành động khẩn cấp để đưa nền kinh tế châu Âu, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thoát khỏi tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1945.

Bất đồng trong kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của EU ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) trong cuộc họp báo trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Berlin ngày 18/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Angela Merkel khẳng định các cuộc đàm phán liên quan tới ngân sách và quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch sẽ vẫn diễn ra. Bà hy vọng các nhà lãnh đạo EU có thể sớm tìm ra một giải pháp ngay cả khi vẫn còn một chặng đường dài khó khăn trước mắt.

Tổng thống Macron khẳng định 500 tỷ euro từ quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch sẽ được dùng để tài trợ trực tiếp cho các nước bị ảnh hưởng nhất.

Ông cho biết Pháp và Đức đều dành sự ưu tiên tuyệt đối cho vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh "nếu không thể tìm được tiếng nói chung, thì châu Âu sẽ không thể vượt qua được thách thức".

Cũng trong một diễn tiến liên quan, ông Macron đã bay tới The Hague để thực hiện một cuộc gặp mặt riêng với Thủ tướng Rutte nhằm tìm kiếm câu trả lời về “thái độ chống đối” của Hà Lan trong việc coi Italy là một trường hợp đặc biệt.

Đã xuất hiện một số “đồn đoán” từ Hà Lan và nước láng giềng Bỉ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch về mặt thống kê - rằng các quốc gia Đông Âu, nơi kiểm soát tương đối tốt tình hình dịch bệnh, sẽ nhận được nhiều tài trợ hơn so với những gì mà họ lẽ ra nên được hưởng, vì EC đã cố gắng “mua phiếu bầu” từ chính những nước này.

Bà von der Leyen ngay lập tức bác bỏ các tin đồn nói trên và kiên quyết bảo vệ đề xuất sử dụng dữ liệu thất nghiệp trong vòng 5 năm làm tiêu chí cho việc phân bổ tiền tài trợ.

Trước đó, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đưa ra lời kêu lãnh đạo các nước thành viên EU cần nhanh chóng nhất trí về quỹ phục hồi kinh tế nhằm vực dậy nền kinh tế nội khối đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ để tuột mất các nhà đầu tư trên thị trường.

Chủ tịch ECB nhấn mạnh nền kinh tế EU đang suy giảm mạnh, do vậy, cả chính phủ các nước và các tổ chức EU cần có những hành động mang tính quyết định và hiệu quả để mở đường cho sự phục hồi vào cuối năm nay, đồng thời làm tăng sức mua.

Bà Lagarde cảnh báo việc các nước không nhanh chóng đồng thuận về gói phục hồi kinh tế có thể khiến giới đầu tư lo lắng, dẫn tới những thay đổi tâm lý không có lợi cho các nước.

Hy vọng sẽ có một sự nhất trí giữa các nhà lãnh đạo EU trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng Bảy tới đây là rất mong manh.

Những tranh cãi về Quỹ Phục hồi kinh tế sau đại dịch, cũng như ngân sách của EU, có khả năng sẽ kéo dài tới tận hội nghị thượng đỉnh vào tháng Chín và xa hơn thế nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục