Bắt nguyên quyền giám đốc công ty Cofidec

Ngày 13/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với Nguyễn Thanh Xuân, nguyên quyền giám đốc công ty phát triển kinh tế Duyên Hải về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Ngày 13/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với Nguyễn Thanh Xuân, nguyên quyền giám đốc công ty phát triển kinh tế Duyên Hải về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Theo hồ sơ điều tra, năm 1999–2001, ban lãnh đạo Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (gọi tắt là Cofidec) là doanh nghiệp nhà nước, đơn vị thành viên của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, có ý tưởng thành lập chi nhánh công ty để phát triển kinh doanh. Ông Nguyễn Thanh Xuân (khi đó là Phó Giám đốc rồi sau này là quyền Giám đốc Cofidec) cùng gia đình đã góp vốn thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thủy sản Bạc Liêu và không phụ thuộc vào Công ty Cofidec.

Tuy nhiên, thời gian sau đó, phần lớn hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu đều gắn liền với Cofidec - việc làm này là không thực hiện đúng quy định trong điều lệ tổ chức và hoạt động của Cofidec và vi phạm Khoản 2 điều 39, khoản 6 điều 32 Luật doanh nghiệp.

Nguyễn Thanh Xuân đã lợi dụng chức vụ của mình, chỉ đạo việc hạch toán kế toán có lợi cho Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu, lợi dụng uy tín của Cofidec là khách hàng truyền thống của Công ty Quốc tế Higashimaru - Nhật Bản để ký hợp đồng trái phép, vay số tiền 20 triệu yên Nhật với lãi suất ưu đãi 3%/năm để ngoài sổ sách kế toán công ty, sau đó chuyển cho Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu sử dụng số tiền đó trả nợ cho Cofidec.

Việc vay tiền nước ngoài của Cofidec là sai nguyên tắc về quản lý ngoại hối vì không xin phép Tổng Công ty thương mại Sài Gòn và Ngân hàng Nhà nước.

Kiểm tra hồ sơ kế toán của Cofidec cho thấy, việc vay 20 triệu yên Nhật không được phòng kế toán hạch toán vay trong sổ sách theo dõi nợ phải trả của Cofidec.

Theo báo cáo tình hình dư nợ mua bán giữa Cofidec và Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu vào tháng 8/2006 có dư nợ là hơn 4,9 tỷ đồng. Nếu Cofidec không cấn trừ số nợ hơn 2,69 tỷ đồng (tương đương 20 triệu yên Nhật) thì dư nợ là hơn 7,6 tỷ đồng.

Ngoài hành vi trên, Nguyễn Thanh Xuân còn nhiều sai phạm khác trong việc xây dựng nhà xưởng để lắp đặt hệ thống máy sấy thăng hoa, về khoản công nợ khó đòi gần 2,4 triệu USD bán tôm đông lạnh cho 3 công ty nước ngoài, lập hồ sơ giả mạo để cấn trừ công nợ hơn 384.570 USD với một công ty của Mỹ và 2 công ty của Trung Quốc.

Do những sai phạm trên, vào tháng 7/2007, ông Nguyễn Thanh Xuân đã thôi giữ chức quyền giám đốc công ty Cofidec.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra làm rõ và mở rộng vụ án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục