Bầu cử Anh: Xuất hiện 'bóng ma' về sự can thiệp của nước ngoài

Các tài liệu mật, lần đầu tiên xuất hiện trực tuyến vào ngày 21/10, cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền đang âm mưu “đề nghị bán Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Bầu cử Anh: Xuất hiện 'bóng ma' về sự can thiệp của nước ngoài ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: poundsterlingforecast.com)

Reuters đưa tin theo giới chuyên gia, việc rò rỉ và phát tán các tài liệu thương mại mật giữa Anh và Mỹ trên mạng trực tuyến mới đây giống như một chiến dịch “tung tin giả” được phát hiện bắt nguồn từ Nga.

Nó có thể báo hiệu sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử Anh sắp tới.

Công đảng đối lập ngày 27/11 nhận định rằng các tài liệu mật, lần đầu tiên xuất hiện trực tuyến vào ngày 21/10, cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền đang âm mưu “đề nghị bán Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) do nhà nước quản lý trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington.”

[Điều gì khiến Anh có thể trở thành một nhà nước thất bại?]

NHS được nhiều người dân Anh ưu chuộng và trở thành một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử vào ngày 12/12 tới đây, trong đó Công đảng truy vấn đảng Bảo thủ bất chấp họ mất vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây.

Các nhà nghiên cứu tại các trường đại học Oxford và Cardiff, Hội đồng Đại Tây Dương và công ty phân tích truyền thông xã hội Graphika cho rằng cách các tài liệu được chia sẻ trực tuyến lần đầu tiên đã phản chiếu một chiến dịch mang tên Secondary Infektion (tạm dịch là Nhiễm trùng thứ phát).

Nó, được phát hiện bởi Hội đồng Đại Tây Dương hồi tháng Sáu, đã sử dụng các tài liệu bịa đặt hoặc bóp méo để cố gắng truyền bá các câu chuyện sai lệch trên ít nhất 30 nền tảng trực tuyến và xuất phát từ tài khoản mạng truyền thông xã hội có nguồn gốc tại Nga.

Ông Ben Nimmo, người đứng đầu cuộc điều tra tại Graphika nói: "Nó trên cùng một tập hợp các trang mạng (như Secondary Infektion), nó sử dụng cùng một số loại tài khoản và mắc cùng một lỗi ngôn ngữ. Đó có thể là chiến dịch của người Nga hoặc ai đó đang cố gắng để trông giống như vậy."

Reuters không thể xác minh liệu những tài liệu này là bản gốc hay không. Công đảng và chính phủ Anh đã từ chối bình luận. Tại Washington, Đại diện thương mại Mỹ đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Người ta vẫn chưa rõ ai đứng đằng sau hoạt động này và các chuyên gia mạng cho rằng thật khó để quy kết các hành động độc hại trực tuyến một cách chắc chắn.

Moskva đã bác bỏ những cáo buộc can thiệp vào bầu cử Anh và Điện Kremlin đã không phản hồi các yêu cầu bình luận ngay lập tức.

Ông Graham Brookie, Giám đốc Phòng nghiên cứu pháp lý kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương nói: "Bất cứ ai làm điều này... hoàn toàn đang cố gắng giữ bí mật. Nó mang bóng ma ảnh hưởng nước ngoài."

Gieo rắc sự hỗn loạn

Một liên kết để tải xuống các tài liệu có cùng nội dung và siêu dữ liệu như các tài liệu mà Công đảng công bố lần đầu tiên được chia sẻ trên trang thảo luận Reddit bởi một người dùng mắc những lỗi ngôn ngữ điển hình của người nói tiếng Anh không phải bản ngữ.

Một người có cùng tên người dùng và ảnh hồ sơ đã sao chép bài đẳng của Reddit vào một trang mạng được biết đến với việc lưu trữ các lý thuyết âm mưu, và một tài khoản Twitter có cùng tên và ảnh hồ sơ sau đó đã liên kết với các nhà báo và chính trị gia.

Một tài khoản khác đồng thời chia sẻ liên kết bài đăng của Reddit trên ba trang blog bằng tiếng Đức.

Các nhà nghiên cứu được Reuters phỏng vấn cho biết những trang mạng này từng đưa thông tin trực tuyến, hoạt động của Twitter và các lỗi ngôn ngữ tất cả đều giống như chiến dịch Secondary Infektion.

Bà Lisa-Maria Neudert, một nhà nghiên cứu của Dự án Tuyên truyền Điện toán thuộc Đại học Oxford, cho rằng nếu Nga đứng đằng sau vụ rò rỉ này, mục đích của họ có thể không giúp bất kỳ bên nào trong cuộc bầu cử.

Bà nói: "Chúng ta biết vở kịch của Nga thường thì họ không ủng hộ hoặc chống lại bất kỳ điều gì. Họ muốn gieo rắc sự hỗn loạn và phá hoại lòng tin chính trị."

Reuters không thể hiểu làm thế nào người dùng Reddit hoặc Công đảng có được các tài liệu chưa được công bố này.

Người dùng Reddit đã không phản hồi các câu hỏi bằng văn bản và tài khoản Twitter đã tạm ngừng hoạt động hồi tuần trước.

Một nữ phát ngôn viên của Reddit nói: "Tính toàn vẹn của trang mạng này là rất quan trọng và chúng tôi đang điều tra vụ việc."

Còn Twitter cho biết họ không thể bình luận về các tài khoản cá nhân vì lý do riêng tư và an ninh nhưng họ tích cực thực thi các quy tắc riêng để ngăn chặn “nội dung độc hại” trên dịch vụ của mình. Facebook cũng từ chối bình luận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục