Bỉ phân vân trong việc hủy kho vũ khí hóa học của Syria

Chính phủ Bỉ đang gặp phải tình huống nan giải trước đề nghị của Mỹ, nhận hay không nhận "gói thầu" hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

Trong những ngày qua, chính phủ liên bang dưới sự điều hành của Thủ tướng Elio Di Rupo đã phải triệu tập nhiều cuộc họp "kín" để thảo luận về vai trò của Bỉ trong dự án đầy mạo hiểm - hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

Bỉ đang do dự trước đề nghị của Mỹ, nhận hay không nhận "gói thầu" hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

Tại các buổi thảo luận, nhiều giải pháp được đưa ra để chọn lựa và sẽ được Hội đồng Bộ trưởng quyết định trước ngày 5/2/2014 - thời hạn cuối cùng do Tổ chức quốc tế Cấm Vũ khí hóa học (OIAC) ấn định.

Trong các cuộc thảo luận, câu hỏi về hơn 1000 tấn khí độc sarin, XV và chất độc methyl sulfonyl fluoride hiện đang cất giấu tại nơi nào đó trên lãnh thổ Syria hay tại các quốc gia trong khu vực vẫn chưa có đáp án hoàn hảo đã tạo ra sự căng thẳng với các thành viên trong chính phủ.

Hiện nay, ba phương án đang được chính phủ Bỉ cân nhắc lựa chọn:

Phương án thứ nhất, Bỉ sẽ tiến hành hủy kho vũ khí hóa học tại căn cứ Poelkapelle - phía Bắc thị trấn Ypres (Tây Bắc Bỉ). Tuy nhiên phương án này đã bị Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Pieter De Crem phản đối quyết liệt với tuyên bố "vấn đề nguy hiểm không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài khi chúng ta tiến hành các vụ hủy vũ khí hóa học ngay trên lãnh thổ của Bỉ".

Một chuyên gia nổi tiếng của Bỉ, ông Jean-Pascal Zanders cho rằng "căn cứ Poelkapelle nằm giữa các làng mạc và trang trại vì vậy vấn đề ô nghiễm, độc hại cho môi trường của vùng Flandre sẽ rất nghiêm trọng. Tôi không nghĩ rằng các nhà lãnh đạo vùng lại chấp thuận ý tưởng đó vì chỉ còn 5 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử vùng và trung ương".

Ngay trước đó, Albania đã thẳng thắn từ chối trách nhiệm hủy kho vũ khí hóa học Syria trên lãnh thổ của họ. Na Uy thì tìm cách lảng tránh còn Pháp thì "tế nhị" hơn khi tuyên bố "Pháp sẽ gửi tới OIAC những chuyên gia giỏi nhất về vũ khí hóa học nhưng không có ý tưởng về việc hủy kho vũ khí đó trên lãnh thổ Pháp".

Hai "tác giả" chính của "gói thầu" này là Mỹ và Nga đều chối bỏ trách nhiệm. Washington cao giọng khi giải thích rằng, luật pháp của Mỹ không cho phép tiến hành các vụ hủy vũ khí hóa học trên lãnh thổ Mỹ. Còn Moskva thì tuyến bố "Nga chán ngấy các vụ tiêu hủy vũ khí hóa học".

Phương án hai, Bỉ có thể phụ trách việc vận chuyển vũ khí hóa học bằng đường biển. Để thực hiện ý định đó Bỉ phải thuê tàu quân sự và do lực lượng hải quân áp tải.

Tuy nhiên, để có được "giấy phép" của một quốc gia nào đó đồng ý hủy kho vũ khí hóa học của Syria trên lãnh thổ của mình có thể là một điều "không tưởng". Không một quốc gia nào lại hào hứng với ý tưởng "này kèm theo những hậu họa khôn lường của khu vũ khí hóa học gây ra.

Phương án ba, Bỉ cung cấp các chuyên gia đến Syria để xác định các kho vũ khí hóa học và vận chuyển đến một quốc gia trong khu vực để tiêu hủy. Phương án này cũng không được Mỹ và các đồng minh ủng hộ vì họ lo ngại khi phải điều quân đến Syria áp tải và thực thi công đoạn tiêu hủy vũ khí hóa học.

Ý tưởng di dời kho vũ khí hóa học đến các quốc gia láng giềng như Jordan, Palestine… cũng không thể thực hiện được trước sự chống đối không chỉ trong giới lãnh đạo mà cả dân chúng các quốc gia đó.

Bên cạnh những lý do đó còn một thực tế đủ mạnh để Mỹ và các đồng minh phải cân nhắc khi triển khai các phương án trên là những kho vũ khí hóa học và lực lượng thực thi sẽ trở thành "mục tiêu" tấn công không chỉ của các lực lượng Hồi giáo cực đoan mà cả các lực lượng đối lập khác tại Syria.

Ngày 5/2/2014, hạn chót để mọi vũ khí hóa học của Syria phải được tập kết tải cảng Lattaquié và tiêu hủy hoàn toàn vào trung tuần tháng 6/2014 theo lịch trình được OIAC đưa ra.

Những phương án mà Chính phủ Elio Di Rupo đang phải cân nhắc để chọn lựa liệu có được Hội đồng Bộ trưởng chấp thuận hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự "sáng suốt" của các Bộ trưởng và dư luận của dân chúng Bỉ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục