Biểu tình lan rộng tại Liban do đồng nội tệ mất giá kỷ lục

Người biểu tình ở Liban đã phóng hỏa các ngân hàng và chặn các ngả đường ở thủ đô Beirut do tức giận khi Hiệp hội Ngân hàng Liban quyết định đóng cửa tất cả các chi nhánh ngân hàng.
Biểu tình lan rộng tại Liban do đồng nội tệ mất giá kỷ lục ảnh 1Người biểu tình đốt lốp xe trước cửa một ngân hàng ở thủ đô Beirut. (Nguồn: Anadolu)

Ngày 16/2, những người biểu tình ở Liban đã phóng hỏa các ngân hàng và chặn các ngả đường ở thủ đô Beirut trong bối cảnh sự tức giận của dân chúng đối với tình trạng xấu đi của nền kinh tế đất nước ngày càng lớn.

Sau khi đồng bảng Liban giảm xuống mức thấp kỷ lục mới là 80.000 bảng đổi 1 USD, Hiệp hội Ngân hàng Liban đã đưa ra quyết định đóng cửa tất cả các chi nhánh ngân hàng.

Động thái này khiến người dân và những người gửi tiền vốn đã phải đối mặt với những hạn chế rút tiền trở nên tức giận.

Người biểu tình và những người gửi tiền đã tấn công 5 ngân hàng ở khu phố Badaro của thủ đô Beirut, trong đó có ngân hàng Bank Audi, Fransabank, Credit Bank, Byblos Bank, Bank of Beirut và BBAC.

Họ xông vào nhà của người đứng đầu Hiệp hội Ngân hàng Liban, ông Salim Sfeir, sau khi tổ chức một cuộc biểu tình ngồi trước tòa nhà này ở khu vực Sin El Fil ở ngoại ô Beirut.

Những người biểu tình cũng đã đập vỡ cửa kính trước của trụ sở các các ngân hàng và đốt lốp xe bên ngoài cửa thép mà hầu hết các ngân hàng đã lắp đặt sau làn sóng biểu tình hồi tháng 10/2019.

Các ngân hàng trước đó đã yêu cầu hầu hết nhân viên ở nhà, đồng thời thông báo khách hàng không được phép vào bất kỳ chi nhánh nào của họ.

Lính cứu hỏa đã nhanh chóng tới dập lửa, trong khi cảnh sát chống bạo động chiếm cứ các vị trí bên ngoài một số ngân hàng và quân đội Liban tiến hành mở lại các tuyến đường gần đó.

Những người biểu tình cũng đã chặn đường tới sân bay quốc tế Rafic Hariri ở Beirut và đường cao tốc ven biển dẫn đến khu vực Iqlim Al-Kharoub.

Họ cũng đã đốt lốp xe trên những con đường lớn ở Sidon, Marjayoun và Tyre.

[Liban: Người dân giận dữ xuống đường biểu tình do khủng hoảng tiền tệ]

Các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra tại khu vực Badnayel-Qasrnaba ở thung lũng Bekaa và trên đường cao tốc Tripoli-Beddawi ở miền Bắc Liban.

Liban đang chìm sâu hơn trong khủng hoảng kinh tế-tài chính nghiêm trọng chưa từng có, vốn đã đẩy phần lớn người dân vào cảnh đói nghèo kể từ năm 2019.

Theo một báo cáo mới công bố của Chương trình Lương thực Thế giới, 1,29 triệu công dân Liban và 700.000 người tị nạn Syria đang sinh sống tại Liban đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trong 4 tháng cuối năm 2022.

Đây là một thất bại nặng nề đối với một quốc gia từng tự hào với tên gọi "Thụy Sĩ của Trung Đông" giữ vai trò là một trung tâm tài chính khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục