Bình Dương cần vượt bẫy thu nhập trung bình, là hình mẫu cho tỉnh khác

Theo giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Bình Dương sẽ là một trong những tỉnh đầu tiên cần phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để tiếp tục là hình mẫu cho các địa phương khác.
Bình Dương cần vượt bẫy thu nhập trung bình, là hình mẫu cho tỉnh khác ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh (người ở giữa) điều hành phiên thảo luận chuyên đề về phát triển kinh tế-đô thị tại Hội thảo khoa học 'Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng.' (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Ngày 19/4, Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng” do Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức, đã thu hút gần 80 chuyên gia đầu ngành tham dự.

Các ý kiến, tham luận, chuyên đề tại hội thảo tập trung đánh giá thành tựu, cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; những vấn đề đặt ra và đề xuất, khuyến nghị, giải pháp để kiến tạo động lực cho tỉnh Bình Dương phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Tham dự hội thảo, giáo sư, tiến sỹ Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá cao kinh tế của tỉnh Bình Dương luôn tăng trưởng dẫn đầu cả nước trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, theo ông Đạt, để giúp Bình Dương phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, việc phát triển kinh tế số là rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt là với các địa phương có tiềm năng, cơ hội phát triển như Bình Dương.

Tỉnh cần đánh giá tổng thể về kinh tế số để có định hướng về chính sách và các giải pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế số đến năm 2030.

"Với quyết tâm tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, đặc biệt phấn đấu đưa Bình Dương trở thành vùng đổi mới sáng tạo, tỉnh cần kiên trì, quyết liệt triển khai Đề án thành phố thông minh. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phần mềm nền tảng cho thành phố thông minh; xây dựng hệ thống ứng dụng thông minh trên các lĩnh vực hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, đa dạng hóa dịch vụ thông minh, giao thông thông minh, an ninh trật tự..., hướng tới lấy con người làm trung tâm để tiếp tục bứt phá phát triển," giáo sư, tiến sỹ Trần Thọ Đạt góp ý.

Tại hội thảo, giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng những thành tựu phát triển Bình Dương đạt được 25 năm qua là điểm sáng, phản ánh sinh động những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới của đất nước với những quyết sách hệ trọng.

Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng đánh giá mô hình phát triển của Bình Dương hết sức sáng tạo trong tiến trình đổi mới của đất nước, trong đó sáng tạo rõ nhất là “Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia” trong quá trình phát triển. Thành công của Bình Dương xuất phát từ sự vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Từ lúc khởi đầu, có được các chủ trương, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi từ Trung ương, chính quyền địa phương đã cùng các doanh nghiệp trao đổi về cách thức xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư; đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút nhiều nguồn lực tham gia.

Cụ thể, các chính sách “chung lưng đấu cật cùng doanh nghiệp," “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “trải thảm đỏ mời gọi nhân tài” là các khẩu hiệu được chính quyền các cấp của Bình Dương thực hiện một cách hiệu quả, nhất quán trong nhiều năm qua, đem lại những kết quả thiết thực, nổi bật.

Dấu ấn “công nghiệp hóa, đô thị hóa” của Bình Dương trong những thành công vượt bậc của thời kỳ đổi mới là rất rõ. Tới đây, hình thái phát triển và cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn hậu phát triển công nghiệp trong khi công nghiệp hiện đang chiếm gần 3/4 nền kinh tế của Bình Dương.

Cũng theo giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Bình Dương đang ở tư thế sẵn sàng cho cuộc chạy đua lên đỉnh cao phát triển mới từ nay đến năm 2030, với tầm nhìn đến 2050. Bình Dương sẽ là một trong những tỉnh đầu tiên cần phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, để tiếp tục là hình mẫu cho các địa phương khác, tạo động lực cho cả nước đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, hiện thực hóa khát vọng vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu.

[Đánh giá kết quả phát triển của Bình Dương trong thời kỳ đổi mới]

Để đạt được mục tiêu đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của cả nước nói chung và của Bình Dương nói riêng trong giai đoạn tới phải cao hơn giai đoạn vừa qua. Đây là một thách thức rất lớn. Do vậy sắp tới, Bình Dương cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn để sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực; tạo hiệu ứng kinh tế quy mô (cả nội tại và ngoại vi), khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng ngành, từng doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhằm mở rộng sân chơi và nguồn lực cho những chủ thể kinh tế hiệu quả nhất trên thị trường.

Trong khi đó, theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cơ, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, sau ngày đất nước thống nhất, Bình Dương là một phần của tỉnh Sông Bé, một tỉnh thuần nông. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu gắn bó với nông nghiệp. Tuy nhiên, sau ngày chia tách tỉnh (năm 1997), Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ với những chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.

Bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt chảy về Bình Dương...  Kinh tế-xã hội của tỉnh bước đầu đạt những thành tựu đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp, bộ mặt đô thị hóa đã được hình thành rõ nét.

Để tiếp tục tao động lực mới cho phát triển, tỉnh cần quy hoạch các ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nguyên liệu trong nước; xây dựng công nghiệp đạt trình độ tiên tiến và hiện đại, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài.

Bình Dương cần vượt bẫy thu nhập trung bình, là hình mẫu cho tỉnh khác ảnh 2Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: TTXVN)

Đến năm 2030 và những năm tiếp theo như định hướng, Bình Dương trở thành Trung tâm công nghiệp “thế hệ mới,” là vùng đổi mới sáng tạo tầm quốc gia, khu vực và trên thế giới. Tỉnh cần đầu tư xây dựng đô thị trung tâm xứng tầm; đồng thời quy hoạch, xây dựng các khu đô thị vệ tinh hiện đại đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sống đô thị, môi trường khởi nghiệp.

Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 3 thành phố và 2 thị xã. Tỉnh đang quyết tâm hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và chú trọng kết nối vùng. Hiện, tỉnh có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hàng ngàn ha, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam.

Bình Dương là một trong những địa phương năng động cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Toàn tỉnh hiện có 31 khu công nghiệp, với tổng diện tích được quy hoạch 12.721 ha, trong đó có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.021 ha, tỷ lệ lấp kín đạt trên 80%.

Các khu công nghiệp thu hút hơn 4.000 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 39 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động ngoại tỉnh đến Bình Dương lập nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục